"Tá hỏa" với nhãn dán phụ

Theo phản ánh của anh Q. Huy (Ba Đình, Hà Nội), ngày 15/9, anh cùng gia đình đi mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Nguyễn Chí Thanh. Thấy cửa hàng có ghi thương hiệu Daiso của Nhật Bản, gia đình anh quyết định vào đây mua những vật dụng cần thiết. Qua quầy bày bán các sản phẩm dùng để bắt những con vật có hại, anh Huy bất ngờ khi thấy sản phẩm băng keo bắt ruồi tại cửa hàng của Daiso Japan dán nhãn phụ bằng tiếng Việt lại là... "đồ chơi trẻ em". Sau khi kiểm tra các sản phẩm tiếp theo, anh Huy "tá hỏa" khi đến 2/3 mặt hàng này đều có ghi nhãn hàng như vậy.

Ngay sau đó, anh đã phản hồi với nhân viên bán hàng và nhận được câu trả lời là lỗi do khâu dán nhãn. Tuy nhiên, khách hàng này vẫn không khỏi "toát mồ hôi hột". 

"Nhiều khách hàng không có thói quen kiểm tra lại đồ hay xem kỹ nhãn dán phụ, đặc biệt là các mặt hàng ở đây toàn chữ tiếng Trung, tiếng Nhật, tem nhãn phụ chữ rất nhỏ khó đọc và cứ thản nhiên mua đồ rồi thanh toán thì không biết hậu quả sẽ ra sao nếu sản phẩm kia rơi vào tay trẻ em?

Sản phẩm băng keo dính ruồi tại Daiso Japan bị dán nhầm nhãn thành

Sản phẩm băng keo dính ruồi tại Daiso Japan bị dán nhầm nhãn thành "đồ chơi trẻ em".

Nhầm lẫn là điều không thể tránh khỏi, đến máy tính còn có lúc sai nữa là con người nhưng đó là khi không gây ra hậu quả. Còn nếu không may sản phẩm bị dán nhầm nhãn là thuốc hay hóa chất khác với thành phần độc hại hơn nhưng lại bị dán thành đồ chơi, đồ dùng trẻ em thì hậu quả thật khó lường. Có những bé lớn hơn con mình, được bố mẹ cho tiền tự đi mua sắm mà vào đây chọn hàng, không may tin rằng sản phẩm keo bắt ruồi lại chính là đồ chơi như tem nhãn phụ dán nhầm thì điều gì sẽ xảy ra?", anh Huy bày tỏ lo ngại.

Không gặp trường hợp bất ngờ như của anh Huy nhưng bạn Di Hoàng (TP.HCM) lại có phản hồi khá tệ về chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại Daiso Aeon Mall Tân Phú.

"Mình rất hối hận vì trót mua một mắt kính ở cửa hàng Daiso Japan ở Aeon Mall Tân Phú. Kính mua về không dùng được, mình quay lại đổi sau khi mua hàng 30 phút nhưng cửa hàng không có mã hàng đó để đổi và khi mình muốn đổi mã hàng khác để sử dụng thì nhân viên không đồng ý. Mình đã để lại hàng ở đó và cho không cửa hàng đó 40.000 đồng", Di Hoàng bức xúc.

Và theo lời của vị khách hàng này thì cô sẽ không quay lại Daiso thêm một lần nào nữa, đồng thời không quên cảnh báo mọi người cần tỉnh táo và cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm đồng giá.

Hàng đồng giá: Vừa dùng vừa lo?

Bước chân vào hệ thống các cửa hàng của Daiso Japan, ấn tượng đầu tiên dành cho khách hàng chính là sự choáng ngợp do có tới hàng nghìn món đồ với kích cỡ, màu sắc đa dạng và đặc biệt là đều có nhãn mác bằng chữ nước ngoài.

Hàng trong đây đều đồng giá 40.000 đồng. Có rất nhiều mặt hàng, từ đồ gia dụng, dụng cụ học tập, thời trang hay có cả dụng cụ thể thao như vợt cầu lông, găng tay tập tạ. Tuy nhiên, có một vài mặt hàng không có đồ để thử nên chẳng biết mua hàng như thế nào, chẳng hạn như bông hoa thơm phòng… .”, Bạn N. Quỳnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ. 

Một gian hàng đồng giá tại Lotte Mart.

Một gian hàng đồng giá tại Lotte Mart.

Mặc dù tiện lợi vì đồng giá khách hàng không còn phải “lăn tăn” khi mua sắm nhưng nhược điểm của loại hình này là vì đồng giá và giá rẻ nên sẽ có nhiều mặt hàng người mua không được thử và không được đổi trả. 

Do vậy mà nhiều trường hợp khách hàng mua sản phẩm về kiểm tra thấy không vừa ý nhưng lại không thể đổi lấy sản phẩm cùng loại và phù hợp hơn nên mang lại tâm lý không thoải mái cho người mua.

Thêm vào đó thì tất cả các sản phẩm đều là nhãn hàng nước ngoài, tem nhãn phụ tiếng Việt rất nhỏ và nhiều sản phẩm có thể đã bị mờ, khó đọc. 

Tin rằng với giá chỉ 40.000 đồng nhưng lại có thể sở hữu một món đồ xuất xứ Nhật Bản có uy tín và chất lượng sản phẩm tốt nên người tiêu dùng đã "đổ xô" tới chuỗi các của hàng đồng giá như Daiso Japan hay Mumuso để mua sắm. Tuy nhiên, khi nhận ra hàng hóa tại đây không chỉ có nguồn gốc Nhật Bản mà phần lớn lại xuất xứ từ Trung Quốc hay nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước với tên tuổi thương hiệu lạ lẫm thì người mua mới chợt giật mình không rõ mình đang được mua hàng Nhật giá rẻ hay hàng Trung Quốc giá cao?

Không những thế, một số khách hàng cho biết, có những sản phẩm chất tẩy rửa nhà tắm, nhà bếp ở đây không hề có tem mác phụ bằng tiếng việt để người tiêu dùng nắm bắt được công dụng và cách sử dụng sản phẩm sao cho hiệu quả.

"Không phải ai cũng đọc điệc tiếng Nhật, tiếng Trung nên việc mua hàng mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt chỉ là theo cảm tính của khách hàng. Ngoài ra, tôi nghi ngờ về việc những sản phẩm này không phải là đồ được nhập khẩu chính ngạch..." , Anh Huy cho biết thêm.

Câu chuyện của chuỗi siêu thị Con Cưng mới đây chính là bài học nhãn tiền cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng, với hành vi kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước "Made in Vietnam" nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt, mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin, dùng giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hoá cùng một số sai phạm khác, chuỗi siêu thị này đã phải nhận “án” phạt lên tới 250 triệu đồng.

Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, tình trạng hàng hóa không ghi ngày sản xuất, nơi sản xuất, nhãn mác mập mờ, thiếu trung thực để đánh lừa người tiêu dùng là khá phổ biến.

Ngoài ra, tình trạng nhãn mác in sai quy cách về cỡ chữ, kiểu chữ hoặc dán nhãn mác không đúng vị trí quy định trên hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ cũng là những sai phạm dễ gặp. Và đáng lo ngại hơn khi nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng tình trạng này để trà trộn hàng nhái, hàng giả để đến tay người tiêu dùng.

Vậy để thấy, khách hàng dù là "thượng đế" nhưng vẫn luôn phải tỉnh táo trước những chiêu trò khuyến mãi giảm giá sốc hay đồng giá song chất lượng thì lại thả nổi đang tràn lan trên thị trường.

Theo Bảo Châu/Reatimes.vn