chung cư The Park Residence (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM)

Cư dân tại chung cư The Park Residence (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) căng băng rôn phản đối chủ đầu tư

Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có "Báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định, lành mạnh, bền vững" gửi tới các cơ quan chức năng. Trong đó, có nêu về tinh hình tranh chấp chung cư trên địa bàn thành phố hiện nay.

Cụ thể, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc phát triển chung cư, lựa chọn sống trong căn hộ chung cư là xu thế chủ đạo của thị trường bất động sản thành phố này. Tuy nhiên, kéo theo đó là tình hình tranh chấp xảy ra tại các chung cư có xu hướng tăng trong thời gian qua.

Tính đến cuối năm 2018, TP.HCMcó khoảng 1.000 chung cư, trong đó, khoảng 100 chung cư có phát sinh tranh chấp. Có 34 chung cư có tranh chấp đến mức Sở Xây dựng phải xem xét giải quyết, trong đó, có khoảng 10 chung cư có tranh chấp gay gắt.

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc tranh chấp chủ yếu xoay quanh các nội dung như:Việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, quỹ quản lý vận hành chung cư; Về sở hữu chung, sở hữu riêng; Về chất lượng công trình; Về quản lý, khai thác, kinh doanh bãi giữ xe, các không gian có thể sinh lợi, phòng sinh hoạt cộng đồng; Về đại hội chung cư, hội nghị chung cư bầu ban quản trị chung cư và chất lượng hoạt động của ban quản trị; Về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Thống kê của Bộ Xây dựng về tình hình tranh chấp chung cư

Thống kê của Bộ Xây dựng về tình hình tranh chấp chung cư

Đánh giá về tình hình tranh chấp chung cư hiện nay, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, các dự án nhà chung cư thương mại mới chỉ phát triển mạnh tại Việt Nam khoảng hơn 10 năm nay nên các văn bản pháp luật về phê duyệt dự án, về sở hữu chung trong nhà chung cư, việc quản lý sử dụng nhà chung cư vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Mặt khác, trên thực tế, chính các chủ đầu tư vẫn chưa nhận thức đầy đủ pháp luật về nhà chung cư, số khác thì chủ đầu tư còn lạm dụng quyền để trục lợi hoặc lối tư duy thu lợi tối đa thay vì mục tiêu tạo môi trường tốt cho cư dân sinh sống, từ đó họ chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật nên xâm phạm quyền lợi của cư dân, xảy ra những tranh chấp trong thời gian qua.

Theo Luật sư Phượng, để giải quyết tình trạng trên, đối với cư dân, pháp luật Việt Nam luôn bảo đảm các quyền lợi chính đáng của họ. Khi xảy ra sự việc chủ đầu tư xâm phạm đến quyền lợi thì cư dân căn cứ vào các quy định pháp luật cụ thể và chủ động trong việc đối thoại với chủ đầu tư, có thể tham vấn từ các Cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức có chuyên môn. Với những vi phạm hành chính của chủ đầu tư, cư dân có thể đề nghị Cơ quan Nhà nước xử lý bằng hình thức xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để bảo vệ quyền lợi của cư dân.

Trong các trường hợp chủ đầu tư không thực hiện hoặc cố ý trì hoãn chấm dứt việc xâm phạm, khắc phục hậu quả thì cư dân hoặc Ban quản trị (trường hợp nhà chung cư đã được thành lập) thì có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyềt và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). Trong các tranh chấp, cư dân không nên dùng các hình thức làm phức tạp hơn việc tranh chấp hoặc gây mất an toàn đối với cư dân.

 

Theo Reatimes.vn