Theo thống kê của Cảnh sát PCCC TP.HCM, từ năm 2015 đến 2017, thành phố xảy ra 1.173 vụ cháy nhà ở riêng lẻ. Trong đó, nhà ở hộ gia đình: 578 vụ; hộ kinh doanh: 595 vụ và làm chết 24 người.
Cũng theo báo cáo trên, hiện thành phố có gần 100.000 căn nhà có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Trong đó, 57.241 nhà ở hộ gia đình (không bao gồm các căn hộ chung cư, nhà ở các khu đô thị, khu dân cư mới chưa thành lập các tổ dân phố) và 39.895 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mất an toàn PCCC.
Có 3 nhóm nguyên nhân phổ biến dẫn đến cháy nổ tại TP.HCM được Cảnh sát PCCC đưa ra bao gồm: Nguyên nhân sâu xa, do ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn kém.
Người dân có thái độ chủ quan, lơ là với công tác PCCC, xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân và gia đình mình; Nguyên nhân trực tiếp, do các hộ dân vi phạm các quy định an toàn trong sử dụng điện.
Nguyên nhân dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, do sắp xếp hàng hóa dễ cháy với khối lượng lớn ở khu vực kinh doanh tầng trệt, trên các lối đi lại, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói, tự ý lắp đặt thêm nhiêu lớp cửa, làm lồng sắt bảo vệ... đến khi có cháy xảy ra không thoát nạn được.
Cũng theo báo cáo trên, đa số vụ cháy xảy ra vào ban đêm, không có hệ thông báo cháy tự động nên không phát hiện ra cháy kịp thời, đến khi cháy lớn mới phát hiện, khiến nạn nhân dễ bị ngạt khói gây bất tỉnh và tử vong.
Bên cạnh đó, việc không trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu, hoặc có trang bị nhưng thiếu về số lượng, cùng với việc không được kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, lại thêm người dân không biết thao tác, sử dụng để chữa cháy ngay khi ngọn lửa mới phát sinh nên không đạt hiệu quả như mong muốn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, để xảy ra tình trạng mất an toàn PCCC, có trách nhiệm thuộc về việc quản lý Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức.
Cụ thể, chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm, chế tài xử lý còn lỏng lẻo, chưa thể hiện được sự tôn nghiêm.
Ngoài ra, số lượng nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm phần lớn, thêm vào đó, lại không được quy định trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên việc kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PCCC còn gặp nhiều khó khăn khi quân số chưa được đông.
Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo người dân, cần nâng cao ý thức bản thân, không chủ quan trong việc PCCC.
Luôn cẩn thận trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện. Không lấn chiếm và làm mất tác dụng lối thoát nạn, cần phải nghiên cứu giả định các tình huống cháy, nổ để có thể đề ra phương án thoát hiểm trong trường hợp có tình huống khẩn cấp xảy ra.