Cách đây đúng 10 năm, công ty tài chính đầu tiên ra đời ở Việt Nam đánh dấu bước chuyển mình của thị trường tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, phải đến những năm gần đây, tâm lý sẵn sàng đi vay để mua sắm mới thực sự trở nên gần gũi và được nhiều người, đặc biệt là các đối tượng dưới 35 tuổi đón nhận.
“Lần đầu tiên tôi đi vay để mua sắm là khi tôi 30 tuổi và món đồ mua bằng tiền vay là chiếc laptop để phục vụ công việc. Khi chưa vay, cảm giác vay nợ là điều gì đó rất khó vượt qua. Tuy nhiên, sau khi vay tiền trả góp, tôi nhận ra rằng đây thực sự là một quyết định rất đúng đắn”, anh M. Hòa (32 tuổi ở Hà Nội) chia sẻ.
Giải thích thêm về trải nghiệm lần đầu đi vay tiêu dùng, anh Hòa cho biết, “thời điểm đó, tôi cần gần 30 triệu đồng để mua một chiếc laptop cấu hình cao phục vụ công việc mới trong lĩnh vực kỹ thuật nhưng không có đủ tiền. Nhờ có dịch vụ cho vay tiêu dùng, thay vì chờ đến lúc tiết kiệm đủ tiền mới có thể mua sắm và đánh mất cơ hội việc làm tốt thì tôi chỉ phải trả trước một khoản nhỏ và hàng tháng trích lương trả dần mà vẫn có máy tính để làm việc ngay. Đấy thực sự là “cứu cánh” của tôi”.
Một khách hàng khác của vay tiêu dùng, chị Hoàng Phương (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng chung cảm nhận sau nhiều lần sử dụng dịch vụ này.
“Vay tiêu dùng giúp tôi được trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm mà mình cần một cách dễ dàng và nhanh chóng. Hơn nữa, việc vay nợ cũng tạo động lực để tôi tiết kiệm tiền trả nợ hàng tháng, giúp tích lũy tài sản cho tương lai thay vì việc thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy túi” do thói quen mua sắm những vật dụng không thực sự cần thiết như trước đây”.
Tính đến thời điểm này, chị Phương đã vay tiêu dùng 4 lần để mua một chiếc điều hòa, hai chiếc xe máy và lần gần nhất là vay tiền mặt để mở một cửa hàng thẩm mỹ nhỏ.
"Tôi thực sự hài lòng với những lần đi vay này và chắc chắn sẽ còn tiếp tục gắn bó với vay tiêu dùng trong tương lai", chị Phương chia sẻ.
Thực tế cho thấy những khách hàng trung thành của tài chính tiêu dùng như chị Phương, anh Hòa là không hề hiếm. Bởi lẽ, hình thức vay tiêu dùng vốn tưởng chỉ đơn thuần là kênh cung cấp vốn cho các cá nhân để giải quyết nhu cầu tài chính cấp thiết nhưng ngày càng mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.
Trong đó, đặc điểm dễ nhận thấy nhất là tài chính tiêu dùng chính là công cụ để khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm ngay lập tức bằng cách phân bổ chi phí trong tương lai. Đây cũng là phương tiện giúp các cá nhân, đặc biệt là đối tượng khách hàng trẻ tuổi có thể tích lũy tài sản, tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao khi thu nhập còn hạn chế.
Nhờ vậy, ngày càng nhiều khách hàng trẻ tuổi tìm đến tài chính tiêu dùng để trải nghiệm và nâng cao chất lượng cuộc sống, thay vì việc chờ đợi tiết kiệm đủ tiền mới dám rút hầu bao như trước đây.
Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như tình hình kinh tế xã hội được cải thiện theo chiều hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng, sự hội nhập kinh tế và văn hóa thế giới, hệ thống thanh toán hiện đại,… cũng khiến cho tâm lý tiêu dùng của người Việt ngày càng cởi mở hơn.
Bằng chứng là kết quả khảo sát của Nielsen mới công bố cũng cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng quý I/2018 ở khu vực Đông Nam Á đã tăng 2 điểm, đạt 121 điểm so với quý trước. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia đạt điểm số cao nhất và nằm trong nhóm 5 nước có chỉ số niềm tin tăng hàng đầu trên thế giới.
Với sự hội tụ của đầy đủ các yếu tố này, không khó để nhận thấy xu hướng tiêu dùng trong tương lai sẽ tiếp tục nghiêng về hướng "trải nghiệm", thay vì "tiết kiệm", hay nói cách khác, xu hướng đi vay tiêu dùng để nâng cao chất lượng cuộc sống, tối ưu dòng tiền tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển hơn trong tương lai.