Trong chương trình "Life Help", một phóng viên kênh Shangdong TV ở Thanh Đảo uống trà sữa tại một cửa hàng địa phương và đến bệnh viện gần đó để chụp cắt lớp. Theo Hongkong Free Press, kết quả cho thấy dạ dày người này chứa đầy hạt trân châu không tiêu hoá được.
Tại Trung tâm Thí nghiệm Hoá học Đại học Thanh Đảo, các nhà khoa học tỏ ra bối rối trước hợp chất. Dù họ không thể xác nhận trân châu làm bằng vật liệu gì, họ mô tả chất này có độ "kết dính cao".
Những cuộc phỏng vấn dùng camera giấu kín với các quản lý cửa hàng trà sữa quanh thành phố cho thấy không ai biết trân châu làm bằng chất gì. Tuy nhiên, tại một cửa hàng, một đối tượng nói: "Tất cả đều được sản xuất tại các nhà máy hoá chất. Nói trắng ra, chúng được làm từ đế giày da và lốp xe cũ".
Tuy nhiên, phóng sự của Shandong TV không thể kết luận những hạt trân châu thực sự được làm từ những vật dụng này.
Năm 2012, báo cáo của một trường đại học Mỹ ám chỉ rằng những viên trân châu có thể gây ung thư. Tuy vậy, các cửa hàng trà sữa vẫn phổ biến tại khắp các thành phố Trung Quốc.
Ngay sau khi những hình ảnh này được công bố, Chuyển động 24h đã thực hiện một khảo sát nhỏ trên fanpage của chương trình và kết quả cho thấy, phần lớn người dân vẫn tiếp tục uống trà sữa nhưng chọn cho mình những hãng uy tín.
Phóng viên đã có cuộc khảo sát nhanh tại những địa điểm bán trân châu cũng như tìm hiểu về nguồn gốc loại hạt này ở Hà Nội. Qua tìm hiểu tại một số quán trà sữa, nhiều bạn trẻ biết được thông tin về trà sữa làm từ loại trân châu lạ từ Trung Quốc và có nhiều phản ứng khác nhau. Tuy nhiên hầu hết vẫn duy trì sở thích uống trà sữa bởi hầu hết cho rằng dù có lo lắng nhưng cũng không biết làm cách nào để kiểm tra chất lượng trà sữa.
Để tìm hiểu liệu những loại trân châu nghi làm từ chất lạ có được nhập về Việt Nam hay không, nhóm phóng viên chương trình tiếp tục tìm đến các địa chỉ thường bán nguyên liệu cho các quán trà sữa, quán chè tại Hà Nội như chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm. Camera giấu kín được sử dụng khi hỏi mua, tuy nhiên các chủ hàng vẫn cho biết, họ hiện chỉ sử dụng các loại trân châu được sản xuất và đóng gói tại Thái Bình.
"Trân châu được bán ở đây đảm bảo hàng Việt Nam, không phải hàng Trung Quốc. Bây giờ còn ai bán hàng Trung Quốc nữa đâu", một chủ cửa hàng nguyên liệu chia sẻ.
Được biết, cách đây vài năm, các loại trân châu ngoại vẫn khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo người bán, sau một đợt cũng rộ lên thông tin về trân châu bẩn, trân châu giả, các nguồn nhập của loại sản phẩm này cũng được thu hẹp dần và hướng vào sản phẩm nội địa.
Kết quả khảo sát có thể giúp người tiêu dùng an tâm phần nào, tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định loại trân châu không rõ nguồn gốc có bị trà trộn ở đâu đó hay không. Chính vì vậy, chương trình đã đưa ra một số gợi ý về cách phân biệt trân châu thủ công và trân châu công nghiệp để người dùng tham khảo.
Theo đó, bột để làm trân châu thực chất gồm bột khoai tây, bột khoai lang, bột khoai môn, thêm chút đường và các công thức cũng rất dễ tìm thấy trên các trang mạng. Nhìn bề ngoài, có thể thấy chúng khác hoàn toàn với trân châu được mua ngoài chợ. Trân châu mua ở chợ đầu mối thường có màu đen, chỉ cần bóp nhẹ là rời ra thành bột, còn loại trân châu tự làm bề ngoài không màu và rất mềm.
Những viên trân châu được làm đúng tiêu chuẩn, không thêm bất kì phụ gia nào khi chín sẽ có bề mặt sáng bóng, trong suốt. Còn nhiều loại trân châu được mua từ các chợ đầu mối có màu đen hoàn toàn khác biệt.
Thử nghiệm qua kiểm tra cắt lớp, trong đoạn phóng sự của Đài truyền hình Sơn Đông, phóng viên đã ăn các viên trân châu làm thủ công. Sau 40 phút, kết quả cho thấy trong dạ dày của phóng viên này không hề xuất hiện những chấm tròn như các viên trân châu được bán tại các cửa hàng trước đó.