Ban chỉ đạo điều hành giá cũng nếu rõ, nếu quý I/2019 thực hiện tốt việc kiểm soát chỉ số lạm phát thì sẽ giảm áp lực cho cả năm. Theo đó, để thực hiện, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) và Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra các kịch bản điều hành giá trong năm 2019 để Ban Chỉ đạo thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuyệt đối không để xảy ra “sốt” hàng, tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và hết Quý I/2019 (Ảnh minh họa)

Tuyệt đối không để xảy ra “sốt” hàng, tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và hết Quý I/2019 (Ảnh minh họa)

Được biết, Ban chỉ đạo điều hành giá cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp điều hành chỉ số giá tiêu dùng năm 2019 trong khoảng từ 3,3 – 3,9%, bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ là kiểm soát chỉ số này dưới 4%. Đây là kịch bản đã được tính toán trên cơ sở điều chỉnh giá cả các mặt hàng xăng dầu, thịt heo, một phần chi phí quản lý vào dịch vụ y tế, giá điện…. Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành lạm phát cơ bản ở mức 1,6 – 1,8%.

Về giá điện, đại diện Bộ Công thương cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán và ngay sau Tết không phải thời điểm đề xuất tăng giá điện. Nếu có đề xuất thì Bộ này sẽ xem xét rất kỹ, để cân nhắc xem báo cáo Chính phủ. Bộ này cũng đề xuất các mặt hàng thiết yếu phải được đưa vào đúng giá cả thị trường, như mặt hàng xăng dầu, thì giá điện cũng vậy. 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước áp lực về điện và giá điện, thời gian tới EVN sẽ rà soát chi phí để cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, đảm bảo công khai minh bạch trong cách tính giá điện và chi phí tạo thành giá điện. 

Theo số liệu của EVN, dự kiến tổng sản lượng điện của hệ thống năm 2019 là 232,5 tỷ kWh, trong đó, các nhà máy nhiệt điện than là 116,23 tỷ kWh (chiếm 50%), cao hơn năm 2018 khoảng 26 tỷ kWh, tương đương với 13 triệu tấn than.

Theo Công luận