Nắng có thể đốt cháy da người, bão tố cuồng phong có thể làm những gốc phong ba bật rễ, gian khổ có thể làm cho mái đầu người lính thêm nhiều sợi bạc nhưng không làm lung lay được ý chí chiến đấu của người lính Trường Sa.
Kỷ niệm 45 năm quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng (29/4/1975 - 29/4/2020), những ký ức về trận đánh vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua. Thắng lợi của mũi tiến công thần tốc giải phóng Trường Sa không chỉ là hiện thân của tinh thần chủ động tiến công, chiến đấu kiên cường, làm chủ vùng biển đảo, mà còn là khát vọng hòa bình của Hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước của dân tộc ta gắn liền với chiến tranh vệ quốc. Trong dặm dài trường chinh ấy, những người lính Hải quân được coi là “quân lực” chủ yếu trên chiến trường sông biển.
Nếu những người lính “áo vằn cánh sóng” bẻ gãy “gọng kìm sông biển” của Mỹ, làm nên chiến công vang dội trận đầu đánh thắng ngày 2/8 và 5/8/1964, mở màn sau 9 năm thành lập, thì sự hóa thân thành những “chàng rái biển” thần tốc vượt sóng gió ra giải phóng Trường Sa tháng 4 năm 1975, là biểu hiện của đức hy sinh, ý chí kiên cường và lòng dũng cảm của người lính Cụ Hồ.
Chiến thắng giải phóng Trường Sa là chiến thắng khát vọng hòa bình của những người giữ biển quyết tử cho ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Đó là chiến thắng chính nghĩa, là sứ mệnh mà mà đỉnh cao là tình yêu của người lính biển giành cho Tổ quốc.
Kỷ niệm 45 năm giải phóng Trường Sa, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vọng tưởng hơn 3.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trước họng súng của kẻ xâm lăng, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hô vang: “Không chùn bước. Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”...
Lá cờ đã nhuộm máu của nhiều đồng đội, dệt nên bản hùng ca Trường Sa.
“Khúc quân ca Trường Sa” giữa mênh mông biển cả: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương. Đảo này là của ta, biển này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa, viết tiếp bài ca về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ”.
Không thể nào quên những cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã vĩnh viễn nằm lại biển xanh. Chính trị viên Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi; Đại úy Vũ Quang Chương ôm cờ Tổ quốc vào lòng trước khi ngã vào lòng biển mẹ; Chuẩn úy Lê Đức Hồng đem theo lý tưởng sống cống hiến cả đời cho biển đảo xuống đáy san hô; Thiếu úy Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ nơi quê nhà và đứa con chưa một lần nhìn mặt. Tất cả sự hy sinh cao cả ấy, là biểu tượng của tình yêu Tổ quốc, là khát vọng hòa bình, vì Trường Sa, DK1 mãi mãi trường tồn trong lòng Tổ quốc. Vì Trường Sa, DK1 là lãnh thổ thiêng liêng mà chủ quyền của nó không bao giờ tách rời dân tộc.
Lịch sử đã sang trang, quần đảo Trường Sa đã khoác lên mình màu áo mới. Doi cát nhỏ nhoi giữa đại dương 45 năm trước là thuốc súng và sỏi đá khô cằn, nay là thị tứ sầm uất giữa ngàn khơi, với hàng nghìn cỏ cây hoa lá và những công trình dân sinh của quân, dân huyện đảo. Đất nước không còn tiếng súng, biển đảo hiền hòa nhưng Trường Sa chưa một phút bình yên.
Ở nơi “chân trời” Tổ quốc ấy, những người lính Trường Sa vẫn đêm ngày đối mặt với thiên tai bão tố và sự rình rập nhòm ngó của quân thù. Trằn mình trong mưa rào nắng lửa, đứng gác trong gió gào sương lạnh, lính Trường Sa thấu hiểu được nỗi khó nhọc của người lính thời bình nhưng cũng dâng đầy niềm tự hào kiêu hãnh vì được canh chủ quyền Tổ quốc để nhân dân hạnh phúc bình yên.
Thấu hiểu nỗi gian lao vất vả của người lính đảo, những năm qua, triệu triệu tấm lòng trên mọi miền Tổ quốc hướng về Trường Sa.
Với ý nghĩa “cho Trường Sa xanh mãi, cho đảo thêm mạch, cho biển thêm giàu”, hàng triệu tấm lòng đã chung tay xây dựng Trường Sa. Những viên đá lấp lánh tình người được gửi đến Trường Sa để kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la như thay lời tri ân các anh hùng liệt sĩ. Những đồng tiền từ em nhỏ, bát gạo của những mẹ già, hàng triệu lá thư của sinh viên cả nước, làm ấm lòng chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.
Hàng trăm công trình dân sinh trên đảo được xây dựng mới, những ngôi chùa mang hồn Tổ quốc, nhà văn hóa khang trang, nơi tưởng niệm Bác Hồ trang trọng, tượng đài liệt sĩ linh thiêng, không chỉ thấm đẫm mồ hôi xương máu của chiến sĩ Trường Sa mà còn chứa chan nghĩa cử cao đẹp của nhân dân trên mọi miền đất nước. Những công trình mang hình Tổ quốc ấy đã xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắm tình quân dân cá nước.
Nếu 45 năm trước, Trường Sa giải phóng nhờ có tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng, bí mật, sáng tạo của bộ đội đặc công thì nay bộ đội Hải quân cũng hoàn toàn làm chủ được biển, đảo bằng sức mạnh hiện có và ý chí được truyền lửa từ thế hệ cha anh đi trước.
Ý chí ấy đã, đang và sẽ được các thế hệ tướng lĩnh, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam tiếp bước và thực hiện trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn mới. Mang trong tim mình sứ mệnh thiêng liêng được Đảng giao phó, nhân dân tin tưởng; dù nắng hay mưa, biển lặng hay bão tố, đảo chìm hay đảo nổi; không phân biệt cấp bậc cao hay thấp, những người lính ở “quần đảo bão tố” ấy luôn tự hào hãnh diện về lịch sử vinh quang của Quân chủng Anh hùng.
Tháng Tư về, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa tự hào và kiêu hãnh. Trên khắp quần đảo Trường Sa vang bài ca kiêu hãnh: “Trường Sa, ơi Trường Sa, hải đảo của ta. Trường Sa, ơi Trường Sa lãnh thổ của ta. Từ ngàn đời xưa một giải đất thiêng liêng của Tổ quốc ta. Bảo vệ Trường Sa có chúng tôi người chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời”.