Mỗi tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, cao hơn 11% số doanh nghiệp thành lập mới
Theo đó trong tháng 4/2020, số doanh nghiệp thành lập mới là 7.885 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 93.854 tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 4 tháng năm 2020, Việt Nam có 37.596 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm đã có tới 41.755 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp), cao hơn 11% số doanh nghiệp thành lập mới. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng giai đoạn 2015 - 2020.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, dịch Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm mạnh của doanh nghiệp. Nhất là từ ngày 1 - 22/4, nước ta thực hiện giãn cách xã hội nên số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm mạnh.
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2019 cho thấy doanh nghiệp đã có xu hướng thu hẹp quy mô để đảm bảo an toàn cho đồng vốn đưa vào kinh doanh.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2020 là 1.126.164 tỷ đồng (giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2019) gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 445.223 tỷ đồng (giảm 17,9%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 680.941 tỷ đồng (giảm 21,9%) với 11.741 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2020 là 315.731 lao động, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh những tín hiệu xấu trên, nền kinh tế cũng có một số điểm sáng như số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 4/2020 là 3.810 doanh nghiệp, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đây có thể là tín hiệu cho thấy một bộ phận doanh nghiệp đã tái khởi động lại để chuẩn bị đón những cơ hội kinh doanh mới khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Nhiều chuyên gia cho biết, số lượng doanh nghiệp chỉ phản ánh một phần năng lực của nền kinh tế. Điều quan trọng là số doanh nghiệp ở ngành nghề nào, thành phần kinh tế nào, hiệu quả hoạt động ra sao, doanh nghiệp thành lập phải phù hợp xu hướng phát triển,...
Đồng thời đề xuất nhà nước cần có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy lùi khó khăn, tác động xấu của dịch Covid-19 để ổn định sản xuất kinh doanh phát triển.
Đặc biệt cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách cho khu vực doanh nghiệp. Khai thác và phát triển thị trường nội địa, cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, cơ cấu khu vực doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các địa phương xác định lợi thế và tiềm năng của địa phương để định hướng phát triển doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng bứt phá, bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.