Từ ngày 1/6, khoe bảng điểm của trẻ trên Facebook là phạm luật
Mỗi khi kết thúc một năm học, các bậc phụ huynh lại nhân dịp này đăng tải các hình ảnh, thông tin về kết quả học tập của các em lên mạng xã hội, với nhiều mục đích khác nhau. Thế nhưng, những hệ lụy sau hành vi này thì không phải bậc cha mẹ nào cũng ý thức được.
Luật trẻ em chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Trong đó, bộ luật này nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em, dẫn nguồn từ Vietnamnet.
Từ ngày 1/7/2017, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em cũng sẽ có hiệu lực. Nghị định quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mỗi quan hệ bạn bè của trẻ em…
Trao đổi với báo chí, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (hội luật sư bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM) cho hay, hành vi cha mẹ đưa thông tin con lên mạng nếu không có được sự đồng ý của trẻ là phạm luật.
Bà Ngọc Nữ lý giải thêm, việc đưa thông tin của trẻ lên mạng là lý do để kẻ xấu nắm được thông tin tìm đến để làm những chuyện xấu như bắt cóc, đưa đi làm những chuyện xấu hoặc bắt trẻ làm những chuyện mà trẻ không được làm.
Ngoài ra, việc bố mẹ khoe bảng điểm của con lên mạng cũng tạo tâm lý xấu hổ cho con nếu học kém hơn các bạn, hoặc tự cao tự đại nếu có bảng điểm tốt và nhận được nhiều lời khen. Có thể làm làm triệt tiêu ý chí cố gắng vươn lên trong học tập của con.
Cũng theo lời bà Nữ, đã từng có một bé có ý định bỏ nhà ra đi vì tâm lý buồn chán mỗi lần họ hàng tới chơi là ba mẹ lại bêu xấy em, rồi còn nói sẽ gửi em cho bạn của họ để được kèm cặp, hướng dẫn học tập…
Thạc sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) trao đổi trên báo Dân Trí, về quy định cấm đưa bảng điểm lên mạng khi chưa có sự đồng ý từ trẻ là biện pháp tuyệt vời chấm dứt bệnh thành tích của phụ huynh.
Cũng như lời bà Hương phân tích, nếu trẻ không đạt như mong muốn, không có thành tích cao để “khoe” thì bố mẹ cảm thấy thất vọng và trút giận dữ vào đầu đứa trẻ. Từ đó, các con sẽ cảm thấy học hành là nghĩa vụ khủng khiếp, mất niềm vui và giảm sút hiệu quả học tập.
Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh không cần biết con học được thực sự những gì, chỉ thích chúng có thành tích để… khoe. Nhưng một đứa trẻ đạt điểm cao không chắc chắn có được thành công sau này hơn các bạn điểm kém.
Một cách tốt nhất để giúp con trẻ luôn học tập tốt là cha mẹ cần phải theo sát và chia sẻ trực tiếp với con cái, thúc đẩy sự tự giác học tập của con, chứ không cần phải so sánh con với người khác.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên khuyến khích con học tập, dạy con các kỹ năng phòng tránh, bảo vệ mình và phải luôn tôn trọng ý kiến của con.