Mấy tuần nay rộ lên câu chuyện chuỗi Món Huế, Phở Hùng, Cơm Thố Cháy của công ty Huy Việt Nam kinh doanh không được suôn sẻ, đơn vị đã thua lỗ 2 năm (2017, 2018) hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, các chủ nợ cung cấp hàng hóa cho chuỗi đến đòi nợ tiền hàng, công nhân lao động đòi nợ tiền lương. Được biết, các quỹ đầu tư nước ngoài đã rót cho Huy Việt Nam đến nay khoảng 70 triệu đô la, họ cũng đang chuẩn bị khởi kiện và xin phong tỏa tài sản, tài khoản của Huy Việt Nam. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao một chuỗi nhà hàng phát triển nhanh hàng trăm điểm như vậy ở Bắc Trung Nam đã bước đầu có thương hiệu nhưng lại sa sút đến vậy?
Thực tế sẽ được sáng tỏ khi các cơ quan quản lý làm rõ, điều quan trọng là từ vụ Huy Việt Nam này thì chúng ta rút ra được bài học gì cho sự phát triển nhanh và bền vững của các chuỗi khởi nghiệp?
Nhiều chuyên gia đánh giá ở các góc độ khác nhau, nhưng tựu trung lại có lẽ có mấy nguyên nhân chính đó là:
Về quản trị doanh nghiệp
Ngoài mở ra với một tốc độ khá nhanh, số lượng cửa hàng lớn, nằm rải rác ở các vùng miền, khá đông cán bộ công nhân viên phục vụ, Huy Việt Nam còn mở ra nhiều món ăn đặc sản để thu hút khách. Chính vì vậy, việc quản lý nội bộ là vô cùng quan trọng, từ quản lý nguyên liệu đầu vào, xuất nhập hàng hóa, sử dụng chế biến cho khách, tác phong thái độ làm việc nghiêm túc của cán bộ công nhân viên, nếu không quán xuyến nổi dẫn tới thất thoát mai một kể cả vật chất, tiền bạc, thương hiệu.
Mặc dù được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tham gia rất lớn song câu hỏi đặt ra là Huy Việt Nam có sử dụng hiệu quả và hết số vốn đó vào nhiệm vụ chính hay không? Câu hỏi đó còn bỏ ngỏ. Song điều không thể chấp nhận được là năm 2017, họ đã lỗ 50 tỷ mà không kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại dẫn tới thua lỗ mà còn để lây lan sang 2018 lỗ tiếp 50 tỷ.
Về phục vụ và chất lượng món ăn
Kinh doanh ngày nay, việc giữ chữ tín và niềm tin của khách hàng là vấn đề quan trọng số 1. Một số khách hàng than vãn, khi đi vào nhà hàng của Huy Việt Nam, đó là thức ăn không ngon, quầy hàng lộn xộn, tối tăm. Câu chuyện này nghe có vẻ là nhỏ song thực tế lại là vấn đề lớn. Nếu kéo dài tình trạng nhiều cửa hàng như vậy, họ đã tự đánh mất niềm tin của khách hàng gần xa.
Điều cần lưu ý, khách hàng đó tiếp xúc với cửa hàng không được thiện cảm sẽ tuyên truyền lan tỏa sang các người quen khác, và cứ như vậy, thương hiệu của Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng sẽ sa sút một cách nhanh chóng.
Sơ bộ một số nguyên nhân chính thua lỗ của đơn vị là như vậy. Kinh nghiệm cho thấy một đơn vị bán lẻ, siêu thị, cửa hàng ăn uống dịch vụ hay khách sạn đi nữa, nếu doanh thu không đạt mức đủ bù đắp chi phí, chưa nói tới việc có lãi mà kéo dài triền miên thì kết cục tương tự như Huy Việt Nam không có gì lạ cả.
Qua chuyện của Công ty Huy Việt Nam cần phải rút ra những bài học như sau: Nhiệt tình là quan trọng, tâm huyết cũng rất cần, song đơn vị phải làm tốt công tác quản trị doanh nghiệp và tài chính, chất lượng dịch vụ hàng hóa, dịch vụ, phải kiểm soát thường xuyên theo quy trình đã định ở các mô hình được thiết lập để kịp thời chấn chỉnh khắc phục những khiếm khuyết nếu có thể xảy ra. Việc quản lý không thể ngơi nghỉ của Ban lãnh đạo và kỷ luật tự giác của cán bộ công nhân viên là hết sức quan trọng. Từ đó mới tạo dựng niềm tin lâu dài cho các khách hàng gần xa đến với mình.
Tôi có ăn một số món ăn ở một cửa hàng cũng có chữ “Huế” nhưng quả thực so với các món ăn ở Món Huế thì họ khá hơn nhiều cả về chất lượng món ăn và dịch vụ. Họ cũng phát triển nhanh nhưng tương đối bền vững. Buôn bán kinh doanh dịch vụ thời nay, nếu làm ăn nghiêm túc, nộp ngân sách đầy đủ thì khó có thể giầu nhanh được.
Chúng ta không thể chấp nhận những doanh nghiệp khởi nghiệp làm ăn một cách chụp giật, kém chất lượng, trốn thuế và để mất niềm tin của khách hàng. Các bạn trẻ nếu muốn khởi nghiệp thì hãy đi sâu vào cuộc sống kinh doanh quản lý của những doanh nghiệp đi trước để học tập những kinh nghiệm quý báu một cách nghiêm túc để sau này có thể tự lập phát triển những doanh nghiệp theo chuỗi của mình.
Kinh doanh chắc chắn ai cũng muốn lợi nhuận, song lợi nhuận được sinh ra phải từ bàn tay và khối óc của các chủ doanh nghiệp đó chứ không thể đi ngược lại các chính sách pháp luật của Nhà nước và quyền lợi của người tiêu dùng. Vừa kinh doanh, vừa quan tâm đến đất nước và lợi ích cộng đồng xã hội, đó là con đường đúng đắn nhất để phát triển các chuỗi kinh doanh dịch vụ một cách nhanh, hiệu quả và bền vững.