Mới đây, ngày 6/11, tổ công tác UBND xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) kiểm tra cơ sở sản xuất tương đen, tương cà, tương ớt tại địa chỉ 22/18H ấp Trung Đông do bà Trần Thị Sương làm chủ.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện "công nghệ" chiết tương vào bình mất vệ sinh an toàn thực phẩm và nguyên liệu chủ yếu làm từ bột mì và phẩm màu.
Cùng với "lò sản xuất" tương ớt “bẩn” tại địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, do bà Đoàn Thị Hồng làm chủ cơ sở bị phát hiện ngày 22/9. Đây là lần thứ hai trong năm cơ quan chức năng phát hiện và xử lý 2 cơ sở lớn sản xuất tương trái phép, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lại một lần nữa thực trạng thu lợi nhuận phạm pháp đang được cảnh báo cũng như đây còn là lời cảnh báo tới người tiêu dùng về chất lượng của những loại tương cà, tương đen, tương ớt vẫn dùng trong bữa ăn hàng ngày.
Tràn lan tương ớt "ba không"
Theo Lao động, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ và không hạn sử dụng - đó là thực trạng “ba không” của các loại tương ớt không đảm bảo an toàn đang được bày bán rộng rãi trên thị trường và được đông đảo người dân sử dụng hiện nay.
Dạo qua một vài chợ khu vực nội thành, không khó để bắt gặp những can, thùng tương ớt được đóng sẵn để bán cho khách. Tại các khu chợ: Nguyễn Quý Đức, Chính Kinh (Thanh Xuân), Đồng Xa (Mai Dịch), các loại tương ớt “ba không” được bày bán nhan nhản. Thậm chí, nhiều chủ hàng chẳng ngần ngại về địa chỉ bán các sản phẩm trôi nổi này.
“Chợ nào chẳng có, nhưng nhiều nhất vẫn là khu vực Đồng Xuân” - một chủ hàng tại chợ Nguyễn Quý Đức cho biết. Chị này còn thừa nhận, bản thân chị cũng không biết loại tương ớt này có đảm bảo vệ sinh, chất lượng hay không. “Thấy giá rẻ, nhiều người dùng nên mình bán và không quan tâm lắm về nguồn gốc” - Người bán thông tin thêm.
Theo chỉ dẫn của chị Nguyễn Thị H, chủ một cửa hàng ăn trên đường Nguyễn Trãi, chúng tôi tìm đến một quầy hàng trên chợ Đồng Xuân để hỏi mua tương ớt. Tại đây có tất cả, từ loại tương ớt giá rẻ “giật mình” cho đến tương ớt hạng sang được đóng chai, có nhãn mác. Thấp nhất là 10.000 đồng/lít, cao nhất 50.000 đồng/lít.
Lấy làm lạ về giá thành của các loại tương ớt lại chênh lệch lớn đến vậy, chị chủ hàng nhanh nhảu. “Do giá nguyên liệu khác nhau mà em, ớt tốt giá sẽ đắt hơn chứ”. Tuy nhiên, vị chủ hàng cũng gợi ý. “Mua kinh doanh hay mua về nhà dùng. Nếu kinh doanh, chị sẽ bớt thêm cho và nên lấy loại ớt giá rẻ kia, chỉ có điều không có sắc đỏ bằng loại khác thôi”.
Trong khi đó, theo một số chủ hàng làm tương ớt thủ công, chỉ tính riêng công đoạn xử lí ớt mua về cũng mất khá nhiều thời gian, nhưng với những cơ sở làm bẩn, thì họ sẽ không loại bỏ ớt hỏng, chỉ rửa qua đem luộc chín rồi xay, như vậy không ai dám đảm bảo vệ sinh của sản phẩm.
“Cách làm này diễn ra ở các hàng quán vỉa hè, chứ những quán có uy tín, họ không dám nhập tương ớt không rõ nguồn gốc” - chị Nguyễn Thị Hương - chủ một cơ sở sản xuất tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), cho hay.
Nguy cơ gây ung thư
TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm nhận định, rất khó để phân biệt tương ớt có chứa chất gây ung thư vì các độc chất trên không mùi, không vị. Cách duy nhất để nhận biết là qua màu sắc của sản phẩm.
Tương ớt làm tự nhiên sẽ có màu sậm, mùi vị thơm ngon, tương ớt có sử dụng chất phẩm màu Rhodamine B thường có màu đỏ sặc sỡ, không bị phai màu trong nước.
Người tiêu dùng nên lựa chọn các loại tương ớt có bao bì, nhãn mác rõ ràng, có ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng và đặc biệt cần chú ý trên nhãn lọ tương ớt đó có thông tin về phụ gia thực phẩm.
Trên thực tế, tương ớt được bán với giá “bèo” như hiện nay là rất đáng nghi vấn. Bởi, giá thành trung bình của một kg ớt tươi vào khoảng 20.000 đồng, nếu chế biến thì chỉ được hơn 1 lít tương ớt. Màu sắc tương ớt cũng không bắt mắt bằng các loại tương ớt được bán trôi nổi tại các chợ.
Điều đáng nói là, nhiều chủ hàng còn không ngại sử dụng phẩm màu, và chất bảo quản trong quá trình sản xuất để tạo màu sắc bắt mắt cho tương ớt.
Một nguyên nhân khác khiến cho sản phẩm tương ớt không đảm vẫn “sống khỏe”, đó là thói quen sử dụng thức ăn đường phố, chính người tiêu dùng biết bẩn, biết độc hại vẫn… “tặc lưỡi ăn” nên đã tiếp tay cho việc tiêu thụ sản phẩm tương ớt không có nguồn gốc đảm bảo.
Hiện nay, nhiều bà nội trợ tự làm tương ớt để sử dụng cho an toàn, đó là điều rất nên khuyến khích. Làm tương ớt rất đơn giản, chỉ cần nguyên liệu là cà chua, ớt, tỏi, đường, muối... là có được lọ tương ớt thơm ngon, không có hóa chất độc hại.