Hôm qua (17/7), Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cả nước vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đây là kỳ thi quan trọng, nhận được sự quan tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Đến thời điểm này có thể nói, kỳ thi đã thành công.

Về công tác tuyển sinh, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kế hoạch tuyển sinh đã có, hướng dẫn đầy đủ, các trường cũng đã xây dựng đề án tuyển sinh, phương thức xét tuyển và các điều kiện kèm theo, trên cơ sở này, các trường cần rà soát và thực hiện nghiêm túc theo đề án.

Để nâng cao uy tín cho giáo dục đại học Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không có gì khác ngoài chất lượng. "Các trường đại học phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, để những trường nào chất lượng sau một thời gian không cải thiện được phải đóng cửa. Các trường cạnh tranh bình đẳng về chất lượng, tránh trường hợp có những góc khuất, những điểm tối, tạo ra nghi ngờ trong xã hội và người sử dụng lao động về chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Người đứng đầu ngành GD&ĐT khẳng định quyết tâm xây dựng một nền giáo dục đại học trung thực, chất lượng. Trong đó, mỗi cơ sở giáo dục phải trung thực về chất lượng, tôn trọng người sử dụng lao động, lấy người sử dụng làm trung tâm, thể hiện trách nhiệm xã hội, lấy sự phát triền bền vững làm mục tiêu phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, Bộ đã trình Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Để thực hiện tự chủ đại học, theo Thứ trưởng Lê Hải An, các trường cần xác định rõ, đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đại học là yếu tố then chốt, thúc đẩy sự phát triển của cả nền giáo dục đại học. Các trường cũng cần nhận thức rõ tự chủ đại học, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhà trường, Ban giám hiệu, xây dựng cơ chế phối hợp chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và Hội đồng trường; thực hiện tốt các nghị định hướng dẫn dưới Luật, các văn bản pháp luật liên quan. Mặt khác, cũng cần chủ động truyền thông nội bộ và truyền thông cho xã hội.

Nhấn mạnh vai trò của việc “ngấm các quy định” trong quá trình triển khai tự chủ đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dường như đến nay các trường vẫn chưa thực sự ngấm các quy định về tự chủ, nếu không rõ, không ngấm, trong quá trình thực hiện khi vướng vào quy định sẽ khó thực hiện.

Bộ trưởng cũng lưu ý, thực hiện tự chủ, các trường phải chủ động có kế hoạch, đề án lộ trình thực hiện cụ thể 5 năm, 10 năm, để từ đó có kế hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư. Một yếu tố cũng cần quan tâm khi xây dựng kế hoạch, đề án là về Hội đồng nhà trường, các trường cần dành thời gian nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Để hỗ trợ các trường triển khai tự chủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng một số tài liệu dạng sổ tay về tự chủ để hỗ trợ các trường; Bộ cũng sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng cho các trường về những vấn đề còn khó khăn, bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện tự chủ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, quan trọng là các trường phải cùng nhau chia sẻ kinh nhiệm, rút kinh nghiệm cùng phát triển. Bộ trưởng đề nghị các vụ, cục của Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định về tự chủ đại học, làm việc với các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho tự chủ. "Quan điểm là Bộ GD&ĐT chỉ kiến tạo, giám sát và trọng tài, còn tự cuộc sống, tự xã hội tôn vinh chất lượng của các trường. Bộ sẵn sàng cùng các trường bảo vệ cái đúng, gỡ những chỗ vướng, cố gắng hóa giải đảm bảo sự đoàn kết” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, các hiệu trưởng, lãnh đạo nhà trường, các cán bộ giảng viên phải cùng ngấm về tự chủ, tạo ra môi trường dân chủ thực hiện tự chủ. Bộ sẽ có khung hướng dẫn chung nhưng quan điểm là các trường không ngồi chờ, mà chủ động phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề. "Tâm thế của các nhà trường đã sẵn sàng, tin tưởng rằng tới đây giáo dục đại học sẽ có bước tiến nhanh, vững chắc, nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín của từng nhà trường góp phần vào uy tín chung của giáo dục đại học” - Bộ trưởng khẳng định.

Theo Trúc An (tổng hợp)/Đô thị mới