Năm nay, toàn bộ diện tích vải thiều của Lục Ngạn đã được phía Trung Quốc cấp 36 mã số vùng trồng, cấp tem xuất khẩu. Hiện huyện Lục Ngạn hiện có 3 đơn vị đủ điều kiện về đóng gói, dán tem truy xuất để xuất khẩu vải thiều.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn, thời điểm hiện nay đã chuẩn bị bước vào thu hoạch vải thiều sớm, chưa vào chính vụ nhưng đã có hàng trăm thương lái Trung Quốc, các doanh nghiệp, chợ đầu mối lớn trong nước đến Lục Ngạn để khảo sát, đánh giá chất lượng chuẩn bị thu mua tiêu thụ.
Cấp mã số vùng trồng và tem xuất khẩu cho 15.300ha vải thiều Lục Ngạn |
Năm nay, toàn bộ diện tích 15.300ha vải thiều của Lục Ngạn đã được phía Trung Quốc cấp 36 mã số vùng trồng, cấp tem xuất khẩu. Huyện Lục Ngạn hiện có 3 đơn vị tham gia đủ điều kiện về đóng gói, dán tem truy xuất để xuất khẩu vải thiều sang quốc gia này.
Cũng theo ông Hoàn, địa phương đã hỗ trợ không quá 50% kinh phí để thiết kế mẫu mã, bao bì đối với các hợp tác sử dụng tem truy xuất tối đa là 20 triệu đồng/cơ sở.
Vụ vải năm nay, thời gian thu hoạch vải thiều dự kiến sẽ sớm hơn từ ngày 25/5 đến ngày 10/6; vải chính vụ sẽ được thu hoạch từ ngày 5/6 đến ngày 5/7. Ước tính, riêng tỉnh Bắc Giang vải thiều Lục Ngạn đạt 150.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp Tốt VietGAP đạt gần 14.000ha, tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 218ha tại huyện Lục Ngạn.
Được biết, năm nay do thời tiết không mấy thuận lợi, nên tỉ lệ ra hoa đậu quả của vải thiều giảm khoảng 20%, tuy nhiên, do được chăm sóc tốt nên chất lượng quả vải tốt, đạt yêu cầu xuất khẩu. Những vườn vải đạt chất lượng đã được thương lái bao mua. Việc làm tốt khâu xúc tiến thương mại đã giúp người trồng vải ổn định đầu ra, không còn cảnh “ được mùa rớt giá ”.
Giáp Sơn là xã đang có 1.860 hộ sống nhờ trồng vải, tổng diện tích gần 1.000ha. Chị Vi Thị Minh, cán bộ khuyến nông của xã Giáp Sơn cho biết, vụ vải năm nay mặc dù sản lượng giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng bù lại, diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn an toàn được mở rộng, giá có thể sẽ cao hơn mọi năm. Để chuẩn bị “dịch vụ hậu cần” cho vụ vải xuất khẩu vài ngày tới, ông Vũ Văn Tiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Lục Ngạn, cho biết, trên địa bàn có 3 cơ sở sản xuất thùng xốp, 42 cơ sở sản xuất đá cây đã bắt đầu khởi động, ngành điện lực sẽ đảm bảo cấp đủ điện cho các cơ sở hoạt động trong suốt mùa vải năm nay; sẽ bố trí lực lượng ứng trực suốt ngày đêm, sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.