Theo BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, ở người trưởng thành, trung bình mỗi ngày cần ngủ từ 7 - 8 giờ. Một giấc ngủ bình thường một đêm gồm khoảng 4 - 5 chu kỳ. Mỗi chu kỳ từ 90 đến 120 phút lại bao gồm 5 giai đoạn.

Một giấc ngủ ngon và chất lượng là một giấc ngủ cần phải đáp ứng những yếu tố cả số lượng (ngủ từ 7 đến 8 giờ theo sinh lý bình thường) và chất lượng, nghĩa là sau khi ngủ dậy cơ thể cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái, khỏe mạnh không còn cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ nữa, năng suất làm việc cao và không có những cơn ác mộng trong khi ngủ.

Lối sống không điều độ là một trong những nguyên nhân gây ra mất ngủ

Lối sống không điều độ là một trong những nguyên nhân gây ra mất ngủ

Theo Hội tâm thần học Mỹ, vệ sinh giấc ngủ không tốt có thể dẫn đến mất ngủ tiên phát.

Lối sống không điều độ là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ. Họ thường không hiểu và không làm đầy đủ vệ sinh giấc ngủ, dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Họ không đi ngủ hàng ngày vào một giờ nhất định, không tránh xa các yếu tố gây hưng phấn như uống nhiều cà phê, ăn no trước khi đi ngủ.

Khi mất ngủ, cơ thể sẽ diễn tiến phức tạp: hệ thần kinh không phản ứng với các kích thích rồi có thể dẫn đến thoái hóa các tế bào thần kinh. Nếu thiếu giấc ngủ thường xuyên hoặc mang những lo toan, áp lực công việc vào giấc ngủ, nhiều người sẽ bị suy nhược cơ thể, giảm khả năng làm việc và sức đề kháng của cơ thể.

Biểu hiện ban đầu mang đến thường là sự mất tập trung, những cơn đau đầu chập chờn, sau đó là thay đổi tính cách, mệt mỏi. Nặng hơn, người bệnh dễ rơi vào trầm cảm, tâm thần, thậm chí không kiểm soát được hành động của mình. Có người đã quá hoảng loạn, dẫn đến việc tự tìm đến cái chết để giải thoát.

Thực tế ngày càng có nhiều người mất ngủ. Ban đầu họ cắt xén thời gian ngủ để làm những việc khác được cho là quan trọng hơn. Lâu dần thiếu ngủ, người lúc nào cũng mệt mỏi, muốn ngủ nhưng đến giờ ngủ lại trằn trọc không ngủ được.

Vệ sinh giấc ngủ là làm những gì?

Để vệ sinh giấc ngủ cần làm sạch cả trí óc, dạ dày, thân thể, môi trường (phòng ốc, âm thanh, ánh sáng). Theo đó, những áp lực, căng thẳng, mệt mỏi hay gây gổ trong gia đình cần phải làm sạch, bỏ ra bên ngoài trước khi ngủ. Có thể trò chuyện vui với người thân, đi dạo, đọc vài trang sách hay làm việc nhẹ nhàng trước khi ngủ. Không nên ngủ ngay sau khi vừa kết thúc một công việc trí óc hoặc chân tay căng thẳng, nặng nhọc.

Trước khi đến giờ đi ngủ, không nên ăn no gây óc ách, khó ngủ. Không nên uống nhiều nước trước khi ngủ hai giờ. Theo BS Thắng, không dùng những chất kích thích như trà, thuốc lá, cà phê, sô cô la, vitaman C vào buổi tối. Bữa tối nên ăn nhẹ nhàng, không ăn quá no và nên uống một ly sữa vào buổi tối.

Trước lúc đi ngủ khoảng 1 giờ, nên tắm nước ấm, làm sạch cơ thể, dễ chịu, thư thái nhưng nhớ rằng không nên tắm quá muộn. Không nên chơi những môn thể thao nặng vào buổi tối.

Về môi trường, BS Thắng khuyên phòng ngủ nên bố trí thoáng mát, yên tĩnh, giường gối êm ái, ánh sáng dịu nhẹ. Đặc biệt cần làm sạch tiếng ồn: âm báo giờ (đồng hồ), tin nhắn (điện thoại). Bớt đem vào phòng ngủ những thứ có thể ảnh hưởng giấc ngủ như ti vi, máy vi tính…

Những điều cần nhớ:

+ Đi ngủ và thức dậy đúng giờ.

+ Không nên nằm nướng trên giường vào buổi sáng, dậy ngay khi thức giấc.

+ Đi ngủ ngay khi có những dấu hiệu buồn ngủ như ngáp, mắt lim dim. Không cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ.

+ Không đọc những cuốn sách quá lôi cuốn, hấp dẫn vào buổi tối cũng như không xem tivi trên giường ngủ. Tránh những cãi cọ hay tranh luận căng thẳng, tạm quên đi những lo toan, bận tâm trong ngày.

+ Tránh lạm dụng thuốc ngủ, chỉ dùng khi cần thiết và tham khảo ý kiến thầy thuốc.

(BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM)

T.Nguyên

Theo Giadinh.net.vn