Thế nhưng, với chủng vi rút mới corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (nCoV), chưa thể khẳng định điều này vì đây là chủng vi rút mới.
Vi rút corona sống ít nhất 12 giờ trên bề mặt kim loại
Qua việc dịch tài liệu hướng dẫn về cách phòng chống nCoV từ các bác sĩ gia đình Hoa Kỳ, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, vi rút corona có kích thước khá lớn. Do đó, bất kỳ khẩu trang thông thường nào (không chỉ N95) đều có thể lọc được. Tuy nhiên, khi người bị nhiễm bệnh hắt hơi ra môi trường, giọt nước bọt chứa vi rút có thể bắn xa 3m (khoảng 10 feet) và lơ lửng trong không khí trước khi rơi xuống mặt đất. Khi rơi xuống bề mặt kim loại, vi rút sẽ sống ít nhất khoảng 12 giờ. “Vì vậy, hãy luôn nhớ, nếu tiếp xúc với bất kỳ bề mặt kim loại nào phải rửa tay bằng xà phòng thật kỹ”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Ngoài bề mặt kim loại, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, nCoV có thể vẫn hoạt động trên vải trong 6-12 giờ. Bột giặt thông thường cũng có thể diệt được vi rút. Đối với quần áo mùa đông không giặt được hằng ngày, có thể phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời để diệt vi rút.
Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, kể từ khi xâm nhập, nCoV tồn tại trong cơ thể khoảng 3-4 tuần. Ở môi trường bên ngoài, nCoV rất dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng, tia cực tím và nhiệt độ cao, nhưng nếu trong môi trường lạnh, ẩm và bề mặt kim loại, nCoV có thể tồn tại 1-3 ngày.
Ở miền Nam đang có nắng ấm, có thể khống chế sự lây lan và phát tán của vi rút. Trong khi đó, ở miền Bắc, thời tiết đang lạnh, độ ẩm cao, do đó, việc cách ly các ca nhiễm và nghi nhiễm cần được tăng cường hơn.
Phòng ngừa nCoV như thế nào?
Theo ông Trần Đắc Phu, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), nCoV là chủng vi rút mới chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện vi rút corona lây truyền chủ yếu qua 3 phương thức. Cụ thể là lây qua không khí (tiếp xúc giọt nước bọt từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi); lây trực tiếp (khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, thậm chí lây khi bắt tay người bệnh mà không thực hành các biện pháp phòng vệ) và lây truyền khi chạm vào các bề mặt bị nhiễm vi rút rồi đưa lên mắt, mũi, miệng… Thêm một đường lây nữa được các nhà khoa học mới báo cáo, đó là qua đường phân, thường xảy ra trong chăm sóc người bệnh, nhưng chưa có kiểm chứng.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, hình thức lây nhiễm nCoV phổ biến nhất là do chạm, tiếp xúc ở nơi công cộng, vì vậy hãy rửa tay thường xuyên. Vi rút chỉ có thể sống trên tay bạn trong 5-10 phút, nhưng trong 5-10 phút đó có rất nhiều hoạt động có thể xảy ra (bạn có thể vô tình dụi mắt hay ngoáy mũi…), những hoạt động này làm nCoV có thể xâm nhập vào cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng cho biết, thời gian ủ bệnh của nCoV được cho là từ khoảng 2 đến 14 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó kiểm soát. Cách phòng ngừa lây nhiễm cho mỗi cá nhân chúng ta trong những ngày tới hay ít nhất cho đến khi các cơ quan chức năng tuyên bố hết dịch đó là tránh đến chỗ đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất khử trùng chứa cồn; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch; tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; làm sạch và khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào; ăn đồ nấu chín kỹ, uống nước đun sôi kỹ để nguội; tăng cường sức đề kháng.