Những tai nạn liên quan đến đuối nước diễn ra ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Do đó, dạy trẻ học bơi và những kỹ năng ứng phó khi tai nạn liên quan đến sông nước xảy ra là vấn đề cực kỳ cần thiết mà các bậc phụ huynh cần trang bị.

Hơn nữa, những ngày qua, mưa bão khiến nhiều xã ngoại thành Hà Nội, các huyện Thường Tín, Quốc Oai ngập trong nước. Không ít gia đình bất chấp nguy hiểm cho trẻ ra bơi lội, vui chơi trên tuyến đường ngập nước.

Tuy đã có biển cấm các phương tiện giao thông qua lại nhưng trẻ lại có thể gặp nhiều nguy cơ mắc bệnh và rủi ro cho sức khỏe nếu không được trang bị những kĩ năng bơi an toàn. 

Cần trang bị cho trẻ những kĩ năng bơi đảm bảo an toàn, ứng phó khi có những tình huống bất ngờ trong môi trường nước.

Cần trang bị cho trẻ những kĩ năng bơi đảm bảo an toàn, ứng phó khi có những tình huống bất ngờ trong môi trường nước.

Chuẩn bị đồ bảo vệ 

Trước khi cho trẻ đi bơi, bố mẹ cần kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ các loại vật dụng cần thiết cho trẻ như: Mũ bơi, kính bơi, khăn bông, quần áo bơi, phao bơi.

Khởi động trước khi bơi

Các bậc phụ huynh nên cho trẻ khởi động các động tác đơn giản để tránh gặp các rủi ro như bị chuột rút hoặc đuối sức trong khi bơi. Ngoài ra, thời gian sáng sớm nếu nước còn quá lạnh, trẻ cần phải khởi động đầy đủ, tập thể dục hoặc tham gia một số trò chơi trên bờ để làm nóng cơ thể trước khi xuống nước, tránh nhiễm lạnh.

Hướng dẫn trẻ thở đúng cách

Hãy dạy trẻ tập thở đúng cách, nếu dưới mặt nước thì thở bằng mũi, trên mặt nước hít thở bằng miệng. Giúp trẻ học bơi dễ dàng khi tiếp xúc trực tiếp với nước và thuận lợi cho việc trẻ học các kỹ thuật bơi lội.

Hướng dẫn trẻ đập chân dưới nước

Người lớn có thể giữ hai cánh tay của trẻ trong khi cho trẻ tập đập chân xuống nước. Nếu trẻ lớn, cha mẹ có thể trang bị cho trẻ miếng ván xốp cầm tay trong khi tập động tác đập chân.

Dạy trẻ các kiểu bơi ếch, bơi ngửa

Khi dạy các kiểu bơi, khuyến khích trẻ đổi chân và tay. Với kiểu bơi úp mặt xuống, khuyên trẻ hít thở giữa các động tác bơi. Với kiểu bơi ngửa, nhắc trẻ rằng trẻ có thể hít thở bình thường vì đầu trẻ ở trong không khí, nhưng khi xoay người ra trước, trẻ phải hít thở trước rồi mới tiếp tục bơi.

Dạy bơi trên sông, một mô hình mới ở TP.Quảng Ngãi thu hút nhiều trẻ em tham gia. (Ảnh: Hiền Cừ/Thanh niên)

Dạy bơi trên sông, một mô hình mới ở TP.Quảng Ngãi thu hút nhiều trẻ em tham gia. (Ảnh: Hiển Cừ/Thanh niên)

 

Dạy trẻ các kỹ thuật bơi thông dụng nhất như: Kỹ thuật bơi ếch, kỹ thuật bơi sải, kỹ thuật bơi ngửa, kỹ thuật bơi bướm, kỹ thuật bơi chó...Trong đó kỹ thuật bơi chó là kiểu bơi đơn giản và dễ dàng nhất. Các động tác tay chân được tự do và không bị ép theo khuôn mẫu nào.

Luôn nhấn mạnh đến an toàn khi bơi

Kể cả khi con bạn đã biết bơi, hãy không ngừng nhắc trẻ về việc phải hỏi người lớn trước khi tới bể bơi và không bao giờ bơi một mình hoặc chạy lung tung quanh khu vực bơi vì dễ trơn, trượt.

Hãy nhắc nhở trẻ tránh xa các khu vực bãi bồi dễ sụt lún, các khu vực có nước chảy xiết vào từng thời điểm, và đặc biệt phải luôn lưu ý đến các biển cảnh báo, biển cấm tại các khu vực nguy hiểm, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Khi thấy mình gặp nguy hiểm hay phát hiện thấy người bị ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay lập tức.

Làm nổi người lên khỏi mặt nước bằng một hơi dài và thả lỏng người. Bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo những trẻ sau đây không nên tham gia hoạt động bơi lội:

- Trẻ mắc bệnh hen phế quản, còn gọi là suyễn, khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

- Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính, như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn… khi đi bơi sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.

- Trẻ bị viêm da dị ứng cũng không nên bơi bởi dễ bị dị ứng với tạp chất có trong nguồn nước.

Theo Hồng Hạnh/Reatimes.vn