Sau hơn 3 năm triển khai, TP Hà Nội đã hoàn thành vượt mức chương trình trồng mới, thay thế 1 triệu cây xanh đô thị. Bên cạnh công tác trồng mới, TP cũng duy trì và nêu cao công tác gìn giữ, bảo hộ cây xanh. Tuy nhiên, tại một số địa phương tình trạng xâm hại cây xanh vẫn diễn ra, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến việc bảo đảm an toàn cây xanh bên đường phố trở nên khó khăn.

Dạo một vòng một số quận tại Hà Nội, không khó để bắt gặp những hình ảnh xâm cây xanh bị xâm hại. Có thể liệt kê một số một số tuyến đường, phố như Nguyễn Trãi, Vũ Tông Phan, Hoàng Cầu, Mai Anh Tuấn, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Thị Định,…

Hành động phổ biến nhất là việc các xây xanh bị đóng đinh trên thân cây để treo băng rôn, quảng cáo, thậm chí treo đồ, rác thải; các nhà hàng, quán nhậu, quán cafe quấn chặt thân cây bởi hệ thống dây đèn nhấp nháy.

vi sao cong tac bao ve cay xanh do thi con kho khan

Cây xanh đô thị là vấn đề cần được quan tâm chung của cả chính quyền và người dân. 

Thậm chí, tại các vườn hoa, công viên, nhiều người giẫm đạp, ngồi trên hoa, cỏ hay khắc tên, viết, vẽ lên thân cây làm mất đi vẻ đẹp của cây xanh. Điều này không những làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và về lâu dài cây xanh dễ bị chết, gãy đổ làm mất an toàn.

Theo quy định của TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan giúp TP thống nhất quản lý cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa trên địa bàn Hà Nội. Việc bảo vệ cây xanh được thực hiện theo Quyết định 19/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, trong đó quy định chi tiết về trách nhiệm của các đơn vị như Sở Xây dựng, Sở GTVT, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị được TP đặt hàng...

Quyết định này cũng có quy định chi tiết việc xử phạt hành vi xâm hại cây xanh, trách nhiệm xử phạt hành vi vi phạm thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và CA TP.

Ngoài ra, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP và 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ) có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 tại điều 53 quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa nêu rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ; Giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; Chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa.

Theo đó, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị; Lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định.

Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định.

Những chế tài xử phạt cơ bản đã có, tuy nhiên tình trạng xâm hại cây xanh diễn ra lâu nay chưa được khắc phục và vẫn đang tiếp tục.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị cho rằng, để công tác quản lý, bảo vệ cây xanh đem lại hiệu quả lâu dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan. Trước hết phải quyết liệt xử lý nghiêm hành vi như xây bục bệ, láng xi măng quanh gốc cây.

Ngoài ra, UBND và CA phường sở tại phải tăng cường kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại cây xanh, đặc biệt với các hành vi gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của hệ thống cây xanh.

Nhưng trên thực tế, việc xử lý không dễ, tỷ lệ xử phạt các hành vi xâm hại cây xanh không nhiều. Cái khó của cơ quan quản lý ở chỗ, phải bắt được quả tang đối tượng vi phạm, lập biên bản, đối tượng ký vào biên bản mới xử phạt được. Trong khi đó, việc xâm hại cây xanh thường diễn ra âm thầm, bất kể ngày đêm với nhiều cách thức...

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-cong-tac-bao-ve-cay-xanh-do-thi-con-kho-khan-152146.html

Theo Pháp luật xã hội