Váng sữa có đang được hiểu đúng nghĩa hay không?
Theo Công ty cổ phần sữa Mộc Châu, váng sữa có tên tiếng Anh là “cream” nhưng không phải loại kem lạnh thông thường, mà là một chế phẩm sản xuất từ sữa tươi.
Khi đưa sữa tươi vào máy ly tâm, lớp dưới cùng là bơ, lớp tiếp theo được tách ra váng sữa. 100kg sữa tươi mới sản xuất ra 1,25kg váng sữa.
Trong khi đó, nhiều loại váng sữa nhập khẩu từ Đức, Pháp... lại có thành phần chủ đạo là “sữa nguyên chất”, “sữa nguyên kem”, hoặc ghi chung chung là sữa...
Tỉ lệ sữa nguyên kem trong một hộp “váng sữa” chiếm phổ biến 50-60%, thậm chí có loại lên đến gần 90% là sữa. Ngoài ra, các thành phần khác gồm hương liệu, chất tạo màu, bột ngũ cốc, đường, chất tạo đông...
Theo các chuyên gia ngành sữa, với tỉ lệ thành phần như vậy không thể gọi là váng sữa. Có thể nhà sản xuất vẫn trộn một lượng cream nhưng không phải thành phần chính.
Phó giám đốc một công ty chuyên phân phối váng sữa nhập cho biết “váng sữa” là tên gọi Việt hóa.
Nếu gọi tên theo đúng quy trình sản xuất váng sữa từ 100kg sữa tươi mới ra 1,25kg váng sữa thì đúng là phần nhiều váng sữa nhập khẩu không phải là váng sữa.
Không phải cứ ăn nhiều váng sữa là tốt
Người tiêu dùng Việt Nam đều đang bị hiểu sai về khái niệm váng sữa, đa số đều cho rằng váng sữa có thành phần hoàn toàn là lớp váng kem của sữa.
Nhưng thực tế nó chỉ là một hỗn hợp gồm sữa, sữa nguyên kem, đường, hương liệu, chất tạo đông. Thành phần được gọi là váng sữa chỉ là thành phần phụ, chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Các nhà phân phối quảng cáo rằng váng sữa bổ sung nguồn năng lượng dồi dào, hàm lượng chất béo cao giúp trẻ tăng cân tối ưu, hàm lượng canxi cao (thường giới thiệu ở mức 15%) giúp trẻ phát triển chiều cao vượt trội.
Chưa kể một số loại giới thiệu có hàm lượng vitamin, khoáng chất dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng in trên nhãn sản phẩm lại không ghi cụ thể là những loại vitamin, chất khoáng nào, hàm lượng bao nhiêu?
Bởi vậy, váng sữa là thực phẩm giàu chất béo và canxi. Những trẻ bị suy dinh dưỡng cần được bổ sung thực phẩm này. Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi nên ăn một hộp mỗi ngày, còn trẻ lớn hơn 1 tuổi nên ăn 1-2 hộp/ngày.
Tuy nhiên, chỉ nên cho trẻ ăn sau bữa ăn vì ăn trước bữa ăn sẽ làm cho trẻ no bụng, không muốn ăn nữa. Những trẻ béo phì không nên ăn nhiều thực phẩm này vì sẽ làm trẻ bị dư chất béo, tăng cân.
Theo bác sĩ dinh dưỡng, các bà mẹ cần đọc hàm lượng các chất ghi trên bao bì để xem con mình có cần bổ sung những thực phẩm có hàm lượng như vậy hay không, chứ không phải cứ bổ sung váng sữa là luôn tốt cho trẻ.
Chuyên gia dinh dưỡng của một công ty sản xuất sữa VN cho rằng váng sữa là sản phẩm rất giàu chất béo, năng lượng, phù hợp với những trẻ suy dinh dưỡng, thiếu cân.
Trẻ phát triển bình thường nếu thích chỉ nên ăn bổ sung, không thể thay thế cho sữa và các loại thức ăn khác.
Vị chuyên gia này cho rằng nếu so sánh váng sữa với sữa chua thì thành phần dinh dưỡng trong sữa chua vượt trội hơn.