Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ trên 42%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Theo nghiên cứu, nếu áp dụng diện tích từng loại rừng ở từng vùng thì tổng lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn.
Theo ước tính, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Lâm nghiệp là ngành không những có vai trò đặc biệt quan trọng để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế mà còn là nguồn tài chính rất có tiềm năng thông qua thương mại carbon rừng - nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội ngay từ bây giờ.
Hiện tại, Việt Nam bắt đầu tham gia một số thỏa thuận, đề án, dự án thí điểm liên quan đến giảm phát thải. Tuy nhiên, các thỏa thuận này mới dừng ở bước nghiên cứu khả thi, hiện chỉ có Thỏa thuận ERPA Bắc Trung Bộ được ký.
Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2024 đã được ký giữa Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Ngân hàng thế giới (WB). Theo Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho WB với đơn giá 5USD/tấn với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Đến nay WB đã chuyển cho Việt Nam trên 41 triệu USD tương đương 80% tổng kinh phí.
Sau hơn 2 năm ký Thỏa thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107 ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Trong thời gian tới, ERPA sẽ là Thỏa thuận về chuyển nhượng các-bon rừng thành công đầu tiên ở Việt Nam.
Không còn nghi ngờ về tiềm năng rất lớn nếu chúng ta bán được tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Để tham gia thị trường này, từ năm 2018, tỉnh Quảng Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế để xây dựng đề án phát triển rừng bền vững. Tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng.. trong thời gian từ năm 2021-2025. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai đề án, mọi thứ vẫn còn trên giấy.
Còn rất nhiều vướng mắc để bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới để thu tiền. Vướng mắc về chính sách, cơ chế, con người... nên các hoạt động thí điểm về phát triển dự án carbon chưa được phê duyệt để thực hiện đăng ký và ban hành được tín chỉ ra thị trường. Trong khi đó những nước gần chúng ta như Indonesia, họ đã đưa vào vận hành sàn giao dịch carbon.
Trên thế giới, hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2. Đây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/viet-nam-co-the-thu-ve-hang-nghin-ty-dong-nho-xuat-khau-tin-chi-carbon-109898.html