Tăng trưởng tiền lương nhanh hơn năng suất lao động
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đã cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam là nước có mức lương tối thiểu tăng khá nhanh.
Lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hằng năm đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất chỉ đạt 4,4% nhưng tốc độ tăng lương trung bình đạt 5,8%.
Trong khi đó, giai đoạn 2004-2015, lương trung bình và năng suất lao động của Việt Nam so với các nền kinh tế châu Á khác cũng có sự khác biệt. Cụ thể, Trung Quốc có tốc độ tăng năng suất lao động là 9,1%, nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ khoảng 8,8%.
Tại Indonesia có tốc độ tăng năng suất lao động 3,6% nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ 2,6%. Hai nước Philippines và Singapore có tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động.
Tác động tiêu cực
Lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu cho rằng, đã đến lúc Việt Nam vần có một cơ quan giám sát và thúc đẩy năng suất cho toàn bộ nền kinh tế.
Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động. Nếu năng suất lao động không được cải thiện đồng đều thì việc tăng lương tối thiểu sẽ dần làm cho thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới tỉ lệ thất nghiệp càng tăng cao.
Cụ thể, theo TS Nguyễn Đức Thành, sự chênh lệc của tăng lương và hiệu quả năng suất lao động sẽ dẫn đến các nhà đầu tư giảm tích lũy tư bản, không kích thích được đầu tư. Hơn nữa, chi phí cho các khoản bảo hiểm cũng tăng theo thời gian.
Năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia.
Đánh giá về vấn đề này, TS Futoshi Yamauchi - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hoa Kỳ cũng cho rằng, việc tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay tiêu cực nhiều hơn là tích cực, về góc độ kích thích đầu tư, tăng lương 1% sẽ khiến tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của DN giảm đi 2,3%.
Hiện nay, theo nghiên cứu của WB, nếu mức tăng lương lao động tối thiểu hoặc lương lao động trung bình cao hơn thì có thể khiến tác động tiêu cực đến chính lao động nghèo. Cụ thể, để giảm chi phí lao động, các DN sẽ sử dụng ngày càng nhiều máy móc thay vì sử dụng lao động như trước kia.
Những ngành thâm dụng lao động như dệt may, thủy hải sản, lắp ráp điện tử... sẽ phải bắt buộc đầu tư mua sắm các dây chuyền, máy móc tự động để giảm chi phí.
Trong khi đó, Ông Fujita Yasuo - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam thì cho rằng, tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các DN, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế.
Ông Fujita Yasua khuyến nghị, Viêt Nam cần chú ý đến cơ chế tiền lương, điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp. Theo các chuyên gia của nhóm nghiên cứu, để khắc phục tình trạng này, Việt Nam nên thực hiện một số vấn đề như:
Điều chỉnh tăng lương và tăng năng suất lao động thế nào là hợp lý?
Điều đầu tiên, điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động.
Thứ hai là, lương tối thiểu không phát huy vai trò hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, cần có các chính sách bổ trợ khác, thay vì chỉ kỳ vọng ở chính sách lương tối thiểu.
Ba là, mức lương tối thiểu hiện đang được tính theo tháng, nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động.
Bốn là, mức lương tối thiểu phải được điều chỉnh dựa trên một số nguyên tắc nhất định, và do đó minh bạch hơn và dễ dự đoán được hơn…
Năm là, ngoài sự tham gia của bên ba trong Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng nên có sự tham gia của các chuyên gia những người có chuyên môn saau về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động..
Sáu là, ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật dù không cần thiết phải thực hiện hàng năm. Theo dõi chặt chẽ tác động của tăng lương tối thiểu đến nền kinh tế để tránh những hậu quả không mong muốn.