“Nóng ruột” tìm vốn
Theo kế hoạch, CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) lên giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán VTR. Ngày giao dịch đầu tiên vào thứ Sáu, ngày 27/9. Khối lượng chứng khoán đăng ký là 12,6 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 126 tỷ đồng.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 40.000 đồng/cp, ứng với mức định giá trên 500 tỷ đồng. Biên độ dao động trong ngày giao dịch đầu tiên tại UPCoM là ±40%. Như vậy, cổ phiếu biến động trong khoảng 24.000 - 56.000 đồng/cổ phiếu.
Theo tìm hiểu, Vietravel tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển GTVT (Tracodi). Công ty bắt đầu mang tên Vietravel từ năm 1995 và cổ phần hóa vào năm 2014. Vietravel sở hữu 10 công ty con (trong đó có 2 công ty con chưa hoạt động) và 1 công ty liên kết.
Về hoạt động kinh doanh, Vietravel hiện đang kinh doanh du lịch lữ hành nội địa và quốc tế, xuất khẩu lao động, tổ chức các lớp dạy nghề lao động, tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức sự kiện… Vietravel được biết đến là đơn vị lữ hành lớn nhất tại Việt Nam về doanh thu và thị phần.
Chia sẻ trên truyền thông, Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ từng cho biết lượng khách du lịch sang Việt Nam năm 2018 tăng đột biến do có 51.000 chuyến bay charter của các hãng nước ngoài vào Việt Nam.
Trong khi đó, Vietravel mới chỉ khai thác khoảng 300 - 400 chuyến charter/năm. Vietravel cũng có lợi thế 40 văn phòng trong nước và 6 văn phòng nước ngoài mà nhiều hãng khác chưa có. Cũng theo ông Kỳ, giá trị của bản thân Vietravel sẽ tăng cao khi lên UPCoM dù chưa nói đến dự án Vietravel Airlines hay cổ phần hóa công ty hàng không này.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ (9,07%) là một trong hai cổ đông lớn của Vietravel, nắm giữ số cổ phiếu sau Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch và lữ hành Quốc tế Sài Gòn (SG Travel - 16,22%).
Để chuẩn bị cho công cuộc lên sàn, kết quả kinh doanh của Viettravel đang có vẻ lớn tương đối nhanh. Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm 2017 đạt 6.185 tỷ đồng, và tăng 17%, lên 7.233 tỷ đồng vào năm 2018. Riêng quý I/2019 công ty đạt 1.402 tỷ đồng doanh thu.
Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 37,2 tỷ đồng, và tăng 55,8%, lên trên 58 tỷ đồng vào năm 2018. Quý I/2019 công ty lãi sau thuế 5 tỷ đồng.
Năm 2019, Vietravel đặt mục tiêu đạt 8.613 tỷ đồng doanh thu và 60,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng tài sản đến hết năm 2018 đạt trên 1.200 tỷ đồng, và tăng lên thành 1.368 tỷ đồng thời điểm kết thúc quý I/2019.
Việc đưa cổ phiếu lên sàn nằm trong kế hoạch tăng vốn và tăng giá trị doanh nghiệp như vị chủ tịch Vietravel đã thông tin. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Vietravel cũng đã thông qua phương án tăng vốn nhưng số vốn huy động thêm dự kiến chỉ hơn 30 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán cho cổ đông chiến lược.
Đáng chú ý, trong động thái mới đây, Vietravel lên kế hoạch huy động 700 tỷ trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho dự án Vietravel Airlines - đúng bằng vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp con này. Trái phiếu phát hành không chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị 700 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm, thời hạn 2 năm. Được biết, phương án này nhằm thay thế kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá trị 80 tỷ đồng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 4/2019.
Tiềm năng bao nhiêu... vẫn là chủ quan
Vietravel tỏ ra sốt sắng trong công cuộc tìm vốn cho tham vọng bay để tự cung tự cấp, để lợi nhuận không thất thoát ra bên ngoài giống như một số tập đoàn lớn hiện nay.
Năm 2019, Vietravel gây bất ngờ cho giới đầu tư khi công bố đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Vietravel Airlines được thành lập vào ngày 19/2, sau đó công ty điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh lần thứ 2 vào ngày 23/5 với quy mô vốn nâng lên từ 300 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự án trên cũng là 700 tỷ đồng được huy động 100% bằng vốn chủ sở hữu.
Mục tiêu của dự án là tạo ra hãng hàng không chuyên phục vụ du lịch. Sân bay căn cứ đặt tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), thông qua mô hình hoạt động bay thuê chuyến (charter).
Theo kế hoạch, Vietravel Airlines sẽ chuẩn bị đầu tư từ tháng 10/2019 đến 9/2020, bắt đầu khai thác chuyến bay thương mại vào tháng 10/2020. Dự kiến năm đầu tiên, Vietravel Airlines khai thác 3 tàu bay Airbus320/321 hoặc B737 hoặc tương đương, đến năm thứ 5 nâng tổng số tàu bay khai thác lên 8 chiếc.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, vừa qua, Vietravel Airlines quyết định kéo nhân sự có kinh nghiệm về. Cụ thể, ông Quốc Kỳ đã bổ nhiệm 3 nhân sự mới, gồm:
Ông Nguyễn Anh Vũ giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Người chịu trách nhiệm chính (Post Holder) về bảo dưỡng tàu bay từ ngày 1/10/2019;
Ông Nguyễn Quang Sơn giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Người chịu trách nhiệm chính (Post Holder) về khai thác mặt đất từ ngày 1/10/2019;
Bà La Huệ giữ chức vụ Kế Toán trưởng từ ngày 1/9/2019. Trong đó, ông Sơn và ông Vũ từng đầu quân cho Vietnam Airlines với 30 kinh nghiệm lãnh đạo trong lĩnh vực hàng không và vừa nghỉ hưu.
Bản thân ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel cũng không giấu tham vọng quyết tâm xây dựng và hoàn thiện "hệ sinh thái Vietravel". Phải thừa nhận rằng, tham vọng của ông Quốc Kỳ được cho là hợp lý để tăng quy mô tài chính và thế mạnh của Vietravel trên trường quốc tế. Chi phí lớn nhất của các tour du lịch đường dài luôn là vé máy bay. Bản thân Vietravel cũng luôn phải thuê chuyến để phục vụ cho các tour du lịch của mình.
Vietravel Airlines kỳ vọng có lợi thế về thị trường khi khai thác dịch vụ bay thuê chuyến. Năm 2018, Vietravel đã thuê bao hơn 300 chuyến bay để đưa khách đi du lịch trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lo ngại tham vọng của ông Nguyễn Quốc Kỳ đang quá tầm tay dù chỉ bắt đầu bằng hoạt động bay thuê chuyến như một số hãng hàng không hiện nay.
Có vẻ, Vietravel Airlines đang nhìn vào một doanh nghiệp hoạt động cho thuê nguyên chuyến đang tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây nhờ sự bùng nổ của ngành du lịch. Doanh thu cho thuê chuyến và "thuê ướt" tăng gấp 3 - 4 lần trong năm 2018. Tuy nhiên, chưa chắc lợi nhuận từ doanh nghiệp này thực sự từ dịch vụ bay mà biết đâu đến từ thị trường tài chính.
Mặc dù hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi để gia nhập thị trường hàng không nhưng Vietravel lại có tiềm lực tài chính không mạnh, chưa kể đặc thù của ngành hàng không là phải có chuyên môn mới có thể vận hành.
Tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Vietravel khoảng hơn 1.360 tỷ đồng và hơn 230 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của công ty là các chi phí trả trước liên quan đến việc khai thác tour du lịch cùng các khoản phải thu khách hàng. Trong khi, nguồn vốn chủ yếu là các khoản phải trả người bán và người mua trả tiền trước.
Như ở phần trên đã nhắc, lợi nhuận của công ty hiện chỉ hơn 50 tỷ đồng/năm. Đây là mức lợi nhuận của một doanh nghiệp vừa và nhỏ, và chỉ vừa vặn để trả lãi cho nguồn tiền vay đầu tư kế hoạch bay.
Lãnh đạo Vietravel phát hành trái phiếu và đang kỳ vọng 1-2 năm có thể thu lợi nhuận từ dự án mới này có vẻ hơi lạc quan. Dù Vietravel có phương án tăng mạnh vốn chủ sở hữu nhưng 30 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán cho cổ đông chiến lược là quá nhỏ.
Như vậy, với việc tiềm lực tài chính "khá mỏng" của Vietravel thì cũng đặt ra những áp lực lớn về tài chính trong việc vận hành Vietravel Airlines.
Bản thân ông Quốc Kỳ có phải dân ngành hàng không hay chỉ dựa vào kinh nghiệm của nhân sự thuê ngoài? Đối tác chiến lược đứng sau chắc có nhiều kinh nghiệm trong ngành khó khăn và phức tạp này? Nguồn vốn huy động ngắn hạn và con số vốn huy động cũng nhỏ. Kể cả có 1 nhà đầu tư nước ngoài – nhà đầu tư chiến lược thì tốc độ kinh doanh có hiệu quả trong 2 năm?
Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư thích phiên lưu mạo hiểm vẫn có thể tham gia cuộc chơi với ông Quốc Kỳ, biết đâu đó Vietravel Airlines sẽ lớn mạnh bất ngờ!