Như đã đưa tin, thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận được thông tin phản ảnh của người dân trên phố Xã Đàn về nội dung họ bị VNPT đột ngột cắt dịch vụ mà không thông báo trước để họ có kế hoạch ứng phó.
Việc đó đã khiến họ bị thiệt hại về kinh tế, đồng thời đứng trước nguy cơ bị đối tác hủy bỏ hợp đồng, bồi thường tổn thất.
Cụ thể, anh T.A.T. ( người dân tại phố Xã Đàn) cho biết, một tuần nay, công ty của anh không thể sử dụng điện thoại cố định cũng như Internet vì VNPT đã đột ngột cắt cáp internet từ chiều ngày 05/04/2016.
Được biết, tuyến phố Xã Đàn, Đê La Thành, tập trung nhiều văn phòng của các công ty doanh nghiệp, và việc đột ngột bị mất mạng Internet, cắt dịch vụ điện thoại đột ngột đã làm, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của anh cũng như bao người khác. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ tư vấn, kinh doanh rất bị động vì không thể thực hiện được công việc do hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn hoàn toàn.
Cũng theo anh T. được biết anh là khách hàng lâu năm sử dụng dịch vụ cáp điện thoại – Internet của VNPT, và thanh toán phí dịch vụ hàng tháng cho nhà mạng sòng phẳng, đầy đủ, đúng kỳ hạn.
“Tại thời điểm này, cũng không hề xảy ra sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, địch họa,... có thể gây ảnh hưởng đến mức nhà mạng phải cắt dịch vụ của chúng tôi một cách “đột ngột” theo kiểu như thế.” – Anh T. cho biết thêm.
Cùng với quan điểm đó, ông Đặng Xuân Cường một trường hợp bị VNPT đột ngột cắt dịch vụ cho biết, “Trước sự cố, chúng tôi đã không nhận được thông báo hay bất cứ lời giải thích nào từ VNPT, việc này thể hiện thói làm ăn thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng khách hàng, đã gây hậu quả phiền phức và thiệt hại kinh tế đối với chúng tôi.”
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Đặng Xuân Cường không phải là trường hợp duy nhất. Những ngày qua VinaPhone cũng đã nhận được một số phản ánh của khách hàng khiếu nại về việc bị đột ngột cắt dịch vụ điện thoại cố định và mạng Internet.
Ngày 5/4/2016, Công ty TNHH TMDV &PTTT Tân Phát có công văn kiến nghị về việc mất kết nối đối với các số máy điện thoại cố định tại địa chỉ 224 Xã Đàn. Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, đến ngày 7/4 sự cố “đứt kết nối” mới được VNPT VinaPhone đã khắc phục và bàn giao tín hiệu để khách hàng sử dụng.
Cũng trong ngày, khách hàng Nguyễn Hữu Tùng tại 165 Đê La Thành làm việc và phản ánh với Phòng Bán hàng khu vực về việc mất tín hiệu, VNPT VinaPhone đã ghi nhận ý kiến của ông Tùng và đã cử KTV xuống địa bàn xử lý ngay trong ngày. Đến ngày 10/4/2016, VNPT VinaPhone đã tập trung nguồn lực & khắc phục thành công sự cố tại khu vực này.
Trước phản ánh của người dân, về những nội dung trên, bà Nguyễn Thị Tường Vân, Phụ trách truyền thông của VNPT xác nhận có sự cố xảy ra như người dân phản ảnh. Đồng thời, VNPT đã và đang cố gắng khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để hoàn thành công việc thanh thải đường dây cáp theo chủ trương của UBND TP.Hà Nội nhanh nhất và sớm đưa vào phục vụ khách hàng.
Điều đáng nói từ những sự việc trên là các khách hàng của VNPT trên tuyến phố này phản ánh, đã không hề được thông báo trước về sự cố không truy cập internet để có sự chuẩn bị và chỉ nhận được thông báo sau khi sự cố diễn ra một ngày. Giao dịch bị đình trệ, thiệt hại hàng tỷ đồng, đối mặt với việc bị đối tác khiếu nại, thậm chí chấm dứt hợp đồng do các giao dịch không thể tiến hành là nguy cơ của doanh nghiệp nhưng dường như với VNPT thì chỉ cần gửi một thông báo là “xong”, là “phủi tay” hết mọi trách nhiệm.
Vấn đề này đã dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp nói riêng và cả hệ thống kinh tế nói chung. Khi việc truy cập internet gặp sự cố thì các hoạt động kinh doanh, giao dịch cũng lập tức bị đình trệ và thật khó tưởng tượng ra những thiệt hại của sự đình trệ này đối với doanh nghiệp và xã hội.
Khách hàng cần được bồi thường thiệt hại
Để rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú – Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Theo luật sư Tú được biết: “Người sử dụng mạng internet và VNPT là hai chủ thể bình đẳng trong một hợp đồng dịch vụ. Người dùng được quyền truy cập internet và phải trả phí, còn VNPT thu phí và phải có trách nhiệm đảm bảo dịch vụ thông suốt.”
Quy định tại Điều 524 Bộ luật dân sự được biết, trong trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
“Như vậy, ở trường hợp này, chất lượng dịch vụ do VNPT cung cấp không đảm bảo, khách hàng có quyền yêu cầu không thanh toán tiền dịch vụ, nếu có thiệt hại xảy ra xuất phát từ việc không ổn định trong việc cung cấp mạng internet, khách hàng có thể yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh từ lỗi của nhà cung cấp.” Luật sư Tú cho biết thêm.
Luật sư Trương Anh Tú khẳng định: “Quy định pháp luật thì rất cụ thể nhưng ở Việt Nam, VNPT nói riêng và các nhà cung cấp internet khác, rộng hơn là các doanh nghiệp như điện lực, viễn thông, nước sạch… dường như đang ở “cửa trên”. Họ sẵn sàng áp dụng “luật chơi” do họ định ra mà không quan tâm đến thiệt hại của người dùng và không bao giờ cân nhắc việc bồi thường thiệt hại cho người dùng khi có sự cố xảy ra. Điều này có phù hợp với những quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường hay không?”.
Trong Điều 8, Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 có nêu: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”. |
Chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin sự việc./.