Chỉ tính riêng hệ thống tiếp nhận thông tin của VTV Cab (Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam) đã có tới hơn 5.000 cuộc gọi phàn nàn về việc nhà đài đột ngột “hạ sóng” 22 kênh nước ngoài và thay vào đó là 12 kênh kém tên tuổi hơn, theo chính lời ông Bùi Huy Năm, Tổng giám đốc VTVCab.
Điều đáng nói, VTV Cab đã làm việc này một cách thiếu minh bạch và hoàn toàn sai quy định khi không nhắn tin, gửi email hoặc thông báo chi tiết sự việc đến tận nhà khách hàng theo hợp đồng mà công ty này đã ký với khách.
Thay vào đó, nhà đài chỉ "rón rén" công bố một nửa sự thật khi ra thông báo về việc phát sóng 12 kênh mới bằng việc chạy dòng tin đè trên các chương trình truyền hình. Việc “hạ sóng” 22 kênh nước ngoài uy tín và quen thuộc như HBO, Disney, Cartoon Network, Cinemax, Fox Sports,... hoàn toàn bị ém nhẹm cho đến tận khi sự việc diễn ra.
Cũng theo lời người đứng đầu VTVCab, khách hàng chỉ phàn nàn vậy thôi chứ chưa có ai hủy hợp đồng vì việc này cả (?!).
Phát ngôn này của ông Năm được cho là khá thận trọng khi ông dùng từ “chưa”, chứ không phải là "không có khán giả nào hủy hợp đồng với VTVCab.
Còn thực tế, sở dĩ các khách hàng chưa ngừng sử dụng dịch vụ từ VTV cab vì việc cắt 22 kênh diễn ra quá đột ngột, gần như toàn bộ khách hàng của công ty này đều bị bất ngờ. Hơn nữa, trong bối cảnh VTVCab chưa có câu trả lời thỏa đáng thì các khách hàng mới chỉ dừng lại ở mức phàn nàn chứ chưa ra quyết định ngừng sử dụng gói dịch vụ hay không.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, mà cụ thể là nếu VTV không khôi phục lại 22 kênh có chất lượng cao đã bị cắt hoặc có hành động sửa sai cụ thể như giảm giá cước, bổ sung các kênh chất lượng tốt thì chắn chắn sẽ có một làn sóng rời bỏ kênh truyền hình cáp này trong thời gian tới.
“Tôi lắp đặt VTV cáp vì muốn xem các kênh nước ngoài có chất lượng cao như HBO hay Discovery chứ không trả tiền để xem những kênh không tên tuổi hay những bộ phim ít người biết”.
Đây là ý kiến của anh H. ở Từ Liêm, Hà Nội và chắc chắn cũng là ý kiến của nhiều khách hàng khác.
Trên các diễn đàn, các hội nhóm, nhiều người cho biết sẽ ngưng đóng tiền sử dụng dịch vụ VTV Cab từ tháng tới trong khi những người đã đóng tiền trước cả năm, thậm chí là 2 năm thì đang tìm cách hủy hợp đồng để lấy lại tiền.
Tuy nhiên, khi VTV Cab đã cầm đằng chuôi thì việc khách hàng có thể lấy lại tiền gần như là bất khả thi.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên VTVCab dính "phốt" liên quan đến vấn đề cung cấp dịch vụ truyền hình. Còn nhớ, trước đây công ty này cũng từng bị la ó phản đối khá nhiều khi đột ngột ngưng phát sóng các trận bóng trong khuôn khổ Champions League.
Vụ việc lần này một lần nữa cho thấy cách làm việc tùy tiện, thiếu minh bạch của VTV Cab nhưng với quy mô lớn hơn với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Đặc biệt, trong tình cảnh khá rối ren như hiện nay, thay vì tìm biện pháp tháo gỡ theo hướng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng thì người đứng đầu VTV Cab lại đổ lỗi tại khách hàng không chịu xem thông báo trên kênh truyền hình nên giờ... ráng mà chịu. Thậm chí, ông Tổng giám đốc VTV Cab còn thách thức khách hàng khi "khuyên" họ đi tìm kênh truyền hình cáp khác nếu không chấp nhận việc hạ sóng này.
Trong khi đó, sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp khác đang ngày càng gay gắt hơn, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn và họ cũng ngày càng có ý thức bảo vệ quyền lợi của bản thân tốt hơn.
Bởi vậy, nếu VTV Cab vẫn quen cung cách hành xử của bậc bề kiểu "cả vú lấp miệng em" như thế này thì việc khách hàng quay lưng lại với nhà cung cấp dịch vụ này hoàn toàn có thể sẽ sớm diễn ra trong nay mai.