Chiều 7-9, phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ đổ xăng làm chết 3 chiến sĩ công an xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội kết thúc phần thủ tục, chuyển sang phần thẩm vấn.
Nhiều bị cáo khai bị ông Kình lôi kéo
Bị cáo Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) là người trả lời thẩm vấn đầu tiên. Là người cao tuổi nhất trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử, đứng trước bục khai báo, hai tay đan chéo trước bụng, ông Hiểu cúi đầu khai đã có lần thôi không tham gia "tổ đồng thuận" nữa nhưng lại bị ông Kình thuyết phục tiếp tục tham gia.
Tại cơ quan điều tra, ông Hiểu thừa nhận biết rõ nguồn gốc đất đồng Sênh là đất quốc phòng nhưng do bị lôi kéo nên đã tham gia việc chống đối chính quyền.
Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Hiểu lại phản cung cho rằng tại đồng Sênh chỉ có 47,36ha bị thu hồi để làm sân bay Miếu Môn, số còn lại là đất nông nghiệp.
HĐXX đã cho trình chiếu lời khai của bị cáo Hiểu tại cơ quan điều tra. Theo đó, ông Hiểu thừa nhận đất ở cánh đồng Sênh thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, do có ý định chiếm đoạt đất nên ông Hiểu đã cùng ông Lê Đình Kình (nguyên bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm) thường xuyên lôi kéo kích động người dân khiếu kiện.
Liên quan hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra sáng 9-1, bị cáo Hiểu khai tối hôm trước có đến nhà ông Kình ngủ. Khi Công an Hà Nội chưa tiến vào thôn Hoành, bị cáo Hiểu ném hai chai bom xăng về phía tổ công tác rồi đi vào phòng ông Kình và không biết sự việc bên ngoài xảy ra như thế nào.
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển cũng khai bị ông Kình lôi kéo tham gia khiếu kiện để sau này được chia đất.
Kế hoạch chuẩn bị bom xăng, mua lựu đạn
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Đình Công khai cùng một số người khác làm nhiều bom xăng, mua lựu đạn "với mục đích giữ đất". Bị cáo cùng với Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Văn Tuyển bàn bạc để mua lựu đạn, bị cáo là người trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Quốc Tiến mua lựu đạn.
Về nguồn tiền mua lựu đạn, bị cáo Công khai đây là số tiền vận động người dân Đồng Tâm đóng góp được hơn 48 triệu đồng để thuê luật sư. Họ đã đưa cho luật sư 25 triệu đồng, số tiền còn lại để mua lựu đạn.
"Tại sao giữ đất phải dùng đến lựu đạn?" - chủ tọa hỏi.
Bị cáo Công khai đã cùng bàn bạc với các thành viên tổ đồng thuận là khi lực lượng chức năng về thu hồi đất thì sẽ yêu cầu đưa ra các quyết định liên quan.
"Nếu không đưa ra được mà cố tình xây dựng thì bước đầu sẽ dùng gạch đá để ngăn chặn, sau sẽ là bom xăng và bước đường cùng thì các bị cáo sẽ sử dụng lựu đạn", bị cáo Công khai.
Bị cáo Công thừa nhận có hành vi sai phạm, chống đối lại cơ quan chức năng tại xã Đồng Tâm rạng sáng 9-1. Khi công an đến, bị cáo trực tiếp ném bom xăng và "ném một quả lựu đạn nhưng không rút chốt".
Lê Đình Công - một trong những người cầm đầu vụ việc - nói hết sức hối hận vì 3 chiến sĩ công an đã hi sinh khi vụ án xảy ra.
"Sau khi bị cáo bị bắt tạm giam, được biết 3 chiến sĩ cảnh sát hi sinh nên bị cáo rất hối hận. Tại phiên tòa hôm nay cho bị cáo được xin lỗi 3 gia đình có chiến sĩ hi sinh tại Đồng Tâm và mong được họ tha thứ cho mình", bị cáo Công chắp hai tay trước bụng cúi mặt nói.
Bị cáo Công cũng thừa nhận đã nhận ra những sai lầm của mình, thành khẩn khai báo trước cơ quan điều tra để mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Lê Đình Chức cũng khai đã cầm ba chai bom xăng ném về phía tổ công tác. Khi công an đi ra phía ngoài cổng làng, bị cáo rút chốt lựu đạn ném nhưng không nổ.
Khi nghe hô có người rơi xuống hố, bị cáo chạy xuống khu vực giếng trời cầm tuýp sắt gắn dao phóng lợn chọc xuống hố. Khi có lửa bùng lên, bị cáo Chức rót hai nắp can xăng đổ xuống hố.
"Khi gặp Nguyễn Quốc Tiến, bị cáo nói với Tiến bọn tao đổ xăng đốt mấy thằng dưới hố rồi".
Theo cáo trạng, bị cáo Chức cùng Lê Đình Doanh trực tiếp đổ xăng xuống hố, châm lửa đốt. Hậu quả làm 3 chiến sĩ công an tử vong do ngạt khí và bị thiêu cháy.