Sau khi xảy ra sự cố sập nhà cổ ở 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội đã có báo cáo nhanh gửi lên UBND Thành phố Hà Nội.
“Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết, khắc phục và xử lý sự cố, chịu trách nhiệm giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ quản lý sử dụng công trình” - báo cáo sau sự cố sập nhà của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội nêu.
Theo ông Trần Việt Trung, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nhà 107 Trần Hưng Đạo có nguồn gốc là nhà vắng chủ, Nhà nước đã quản lý, hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang trực tiếp quản lý, sử dụng ngôi nhà này.
Khu nhà 107 phố Trần Hưng Đạo do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý gồm 1 nhà 2 tầng, 1 tầng hầm là khối nhà chính, diện tích xây dựng 643m2từ khi tiếp quản, được giao quản lý sử dụng làm hội trường phục vụ hội họp thường xuyên của ngành và bố trí một số phòng làm việc của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Hiện nay là trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 1.
Cũng theo ông Trung, ngoài diện tích nhà chính, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam còn quản lý 2 dãy nhà 2 tầng khung ray là khối nhà 2 bên, 1 dãy nhà cấp 4 phía sau được Tổng Cục Đường sắt xây dựng tạm từ những năm 1970 (diện tích xây dựng 907m2, diện tích sàn xây dựng là 1.323m2) bằng nguồn vốn ngân sách.
Trong khu vực này có khoảng 60m2 nhà cấp 4 trước đây là phòng khám y tế của Đường sắt Việt Nam.
Theo phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung, do thay đổi tổ chức, Phòng khám y tế chuyển về Bệnh viện Giao thông vận tải (trước đây là Bệnh viện Đường sắt), Bệnh viện Giao thông vận tải đã chấp thuận giao lại nhà đất để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng theo phương án được duyệt.
Do điều kiện khó khăn về nhà ở của cán bộ công nhân viên, cơ quan bố trí cho cán bộ công nhân viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng thuê nhà ở cho 62 hộ dân tại khu nhà 107 phố Trần Hưng Đạo.
Tuy nhiên, theo ông Trung, đối với cơ sở nhà đất số 107 Trần Hưng Đạo do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, từ năm 2013 UBND thành phố Hà Nội và Bộ Tài chính đã thống nhất bằng văn bản giữ lại tiếp tục sử dụng làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố.
Sau đó đã có văn bản đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam di dời, chấm dứt việc cho thuê tại cơ sở nhà đất để quản lý, sử dụng theo đúng quy định.
Mới đây, ngày 15/9, Sở Xây dựng đã có quyết định về việc xác lập sở hữu ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trước mắt, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo quận Hoàn Kiếm, UBND phường Cửa Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương kiểm tra, di chuyển các hộ dân trong khu vực nguy hiểm, phong tỏa khu vực nguy hiểm, tổ chức chống đỡ không để công trình tiếp tục sập đổ.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết đã chuẩn bị quỹ nhà 40 căn tại CT1 Khu đô thị Định Công, đề nghị UBND thành phố chấp thuận bố trí cho các hộ dân tại 107 Trần Hưng Đạo tạm cư để ổn định cuộc sống.
Về nguyên nhân vụ việc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Theo hồ sơ quản lý, công trình 107 Trần Hưng Đạo được xây dựng từ năm 1900, có tuổi đời hơn 100 năm, nên chắc chắn có sự xuống cấp. Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân sập đổ, Sở Xây dựng với chức năng nhiệm vụ của mình đã đề xuất UBND TP, giao Viện Kinh tế Kỹ thuật xây dựng thực hiện việc giám định chất lượng công trình, tìm nguyên nhân. Khi có kết luận giám định mới có thể khẳng định nguyên nhân sự cố là gì.
Ngày 23/9, liên quan tới vụ sập nhà biệt thự cổ ở số 107 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, thông tin từ bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cho biết cả 6 nạn nhân bị thương được điều trị đang dần ổn định sức khỏe. Đáng chú ý trong số các nạn nhân bị thương, tính đến sáng nay đã có 3 người được ra viện./.