Những ngày này, cộng đồng “dậy sóng” trước các thông tin, hình ảnh, clip lan truyền về việc hệ thống siêu thị bất động sản STDA chế lời bài Quốc ca với nhiều từ ngữ bị cho là không phù hợp.
Việc làm của lãnh đạo, nhân viên đơn vị này gần như ngay lập tức chịu sự chỉ trích gay gắt từ phía dư luận. Tuy nhiên, vụ việc chỉ giống như một phần nhỏ của tảng băng chìm trong câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt nói chung.
Trước đó, ngày 15/10, trong lễ kỷ niệm thành lập của STDA, lãnh đạo đơn vị đã bắt nhịp cho hàng trăm nhân viên hát “Cen ca” - bài nhạc chế của Quốc ca. Hành động của tập thể STDA giữa chốn công cộng khiến người chứng kiến bất bình và đã ghi lại, tung lên mạng. Bị dư luận chỉ trích, đại diện của STDA cho rằng đó chỉ là hoạt động mang tính nội bộ.
Còn nhớ, nhiều năm về trước, dư luận cũng từng bất bình trước việc FPT chế nhiều ca khúc cách mạng, nhạc phẩm nổi tiếng của các nghệ sĩ lão thành thành những bài nhạc chế mang tính dung tục.
Đơn vị này cũng từng thanh minh rằng đó chỉ là những sản phẩm nhạc chế được thực hiện cho vui và mang tính nội bộ. Một số ý kiến trái chiều còn tự cho rằng đó là chuyện riêng của đơn vị.
Cũng phải nói thêm, thời điểm FPT “sáng tác” nhạc chế, vấn đề bản quyền chưa hẳn được quan tâm nhiều như hiện nay. Song, sau đó, đích thân đại diện lãnh đạo của đơn vị đã phải đến nhận lỗi với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – một trong số các nhạc sĩ có ca khúc bị FPT chế lời phản cảm.
Thực tế, việc hát nhại, hát chế nhạc phẩm nào đó cho vui của một vài người trong bàn tiệc rất phổ biến. Ngay trong giới hoạt động văn hóa nghệ thuật, chuyện người này, người khác được đồng nghiệp gọi vui vui là “vua nhạc chế” trong những trường hợp như thế không hiếm. Nhưng đó là chế vui và nhạc phẩm được chế là những ca khúc thông thường, được phổ biến rộng rãi, chế lời trong sự cho phép của chủ sở hữu và sự chấp nhận của người nghe.
Còn với Quốc ca, đó là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Dù chỉ mang tính nội bộ như lời thanh minh của đại diện STDA, việc chế lời Quốc ca thành bất kỳ sản phẩm nào cũng không thể chấp nhận được.
Việc xử lý sai phạm của STDA, theo phân tích của nhiều người trong giới Luật sư là có thể ở mức vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ nằm ở việc đơn vị này bị phạt bao nhiêu tiền, việc xử phạt có thỏa đáng so với hành vi hay không mà là câu chuyện của văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân.
Lâu nay, nhà làm kinh tế thường chỉ quan tâm vấn đề lợi nhuận. Xây dựng triết lý kinh doanh, văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh bị coi nhẹ, nếu như không muốn nói là bị bỏ ngỏ với rất nhiều doanh nghiệp. Văn hóa kinh tế càng ít được đề cập.
Câu chuyện văn hóa doanh nhân – văn hóa của người làm kinh doanh cũng ít được quan tâm. Sự quan tâm của người làm kinh tế gần như chỉ là làm sao kiếm được lợi nhuận thật nhiều. Nhưng doanh nhân, như cách gọi trân trọng của cộng đồng dành cho người làm kinh tế thì không hẳn chỉ có vai trò như thế.
Nếu không, khoảng cách giữa doanh nhân với con buôn sẽ không khác nhau bao xa và hệ lụy của sự thiếu đạo đức, thiếu văn hóa trong kinh doanh cũng không chỉ dừng ở một vài sai phạm như vụ việc chế lời cả Quốc ca gây “sóng gió” trong dư luận của STDA...
Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết hiện nay Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo cho Sở VH-TT-DL TP.HCM xử lý vụ việc này. Bên cạnh đấy, ông Phúc cũng cho hay, việc xử phạt này cần làm mạnh tay để các doanh nghiệp khác không bắt chước.
Đây là sự thể hiện trình độ văn hóa của các doanh nghiệp đối với ca khúc Quốc ca, sự thiếu tôn trọng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với các khách hàng khi nhìn về phía công ty này.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đình Tân - người phát ngôn Bộ VVH-TT-DL khẳng định ở trong bộ luật có ghi rõ tội xâm phạm, xúc phạm tới Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca của mỗi quốc gia thì đều bị xử phạt.
Tội này thể hiện ở chỗ như viết, vẽ, chế lời những nội dung không lành mạnh, có tính sỉ nhục hoặc xé rách, đâm thủng, giẫm đạp, vò nát cờ Tổ quốc, ca khúc Quốc ca hay có hành vi có tính chất nhạo báng, phá hỏng Quốc kỳ, Quốc huy, quốc ca...một cách vô ý hay gián tiếp cũng sẽ quy thành khung hình phạt để xử lý nghiêm.
Do tính chất biểu trưng của tổ quốc, của dân tộc nên mọi thái độ biểu hiện qua lời nói, hành động, cử chỉ tỏ sự thiếu tôn trọng đối với quốc kỳ, quốc ca, quốc huy là sự xúc phạm đến danh dự uy tín của quốc gia, xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của toàn dân tộc.
Về mặt bản quyền, việc đặt lời chế cho một bài ca mà không được phép tác giả đã là vi phạm bản quyền. Đặc biệt với ca khúc Quốc ca, điều này còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bản quyền âm nhạc cho rằng về vấn đề này, công an nên vào cuộc để xác định rõ việc chế lời bài hát là một hành động xúc phạm tới uy tín, biểu trưng của dân tộc, không tôn trọng cộng đồng./.
Trước đó, như đã thông tin, chiều 15/10, khoảng 500 nhân viên thuộc hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA khu vực phía Nam có mặt tại khu du lịch Bình Quới 1 để dự lễ kỷ niệm 13 năm thành lập. Đến 13h30, hàng trăm nhân viên dưới phần lĩnh xướng của ông Trần Minh Long - Tổng giám đốc phía Nam đã hát bài “Cen ca” trên nền nhạc Quốc ca. Nội dung bài hát chế lời rất tùy tiện và phản cảm. Điển hình là đoạn “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc" được sửa thành “Đoàn quân nhà Cen đi/Chung lòng chốt chốt” (thể hiện quyết tâm chốt hợp đồng giao dịch)… Các đoạn bị sửa tùy tiện khác như: Lòng ta vững chí ra biển lớn/Sóng dù to ta cũng sẽ vượt qua/Mười ba năm quyết chí không ngừng/Biết bao nhiêu anh tài/Tiến lên/Cùng tiến lên/Chúc cho nhà CEN ta/Vững bền! Điều đáng nói, việc hát lời bài hát giữa nơi công cộng của lãnh đạo và nhân viên hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA đã gây bất bình cho người chứng kiến và dư luận xã hội. Ngay sau khi nhận được phản ảnh, ngày 19/10, cán bộ điều tra thuộc cơ quan an ninh điều tra (Công an TP.HCM) đã tiếp xúc với PV để xác minh nội dung, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc. Dự kiến trong tuần này, cơ quan an ninh sẽ mời lãnh đạo hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA (đơn vị tổ chức) hát lên truy hỏi nhằm xác định nguồn gốc cũng như tác giả của bài hát "chế" để có cơ sở xử lý. Theo thông tin trên tờ VietNamNet, trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 13 năm thành lập, trước đó vài ngày nhân viên hệ thống siêu thị này đã nhận được mail nội bộ, yêu cầu học thuộc lòng bài “Cen ca” - dự kiến sẽ được hát trong lễ kỷ niệm. Thậm chí trước giờ khai mạc chương trình, bài hát này còn được tập dượt nhiều lần trước khi được hát chính thức lúc 13h30 ngày 15/10. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./. |