Không ít ý kiến trái chiều
Coca Cola vừa bị Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) "tuýt còi" vì nội dung quảng cáo sản phẩm Coca Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam".
Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo, theo Cục Văn hóa cơ sở, có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Giải thích cụ thể hơn về việc Coca Cola bị tuýt còi do quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không hợp thuần phong mỹ tục, ngày 29/6, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa. Ví dụ, nếu thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... thì từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng nói rõ việc gắn chữ “lon” như cách của Coca Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như “ở Việt Nam”, “tại Việt Nam”… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng Cục Văn hóa cơ sở đưa ra văn bản xử phạt này lại có phần phi lý. Bởi lẽ từ “lon” đứng một mình cũng không thể xét là có dung tục hay không, chính trong các ý nghĩa của nó vốn chẳng có cái nào là dung tục.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, trong tiếng Việt, từ "lon" mang nhiều nghĩa. Thứ nhất, là từ để chỉ thú rừng, cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn (con Lon). Nó còn là từ để chỉ vỏ hộp sữa, rượu hoặc nước uống hình trụ bằng kim loại (lon sữa bò, lon bia, lon nước ngọt). Đặc biệt, nó cũng là từ chỉ cối nhỏ bằng sành (lon giã cua bằng sành, vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành).
Cũng có người cho rằng, nếu theo lý giải của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thì nền an ninh, quốc phòng của Việt Nam với những quân nhân đang đeo “lon” (phù hiệu, quân hàm) trước ngực có phải là phản cảm, là dung tục?
Nhà văn Đỗ Phấn cũng khẳng định, việc dùng từ "lon" trong tiếng Việt là hết sức bình thường, nó không hề tục hay vi phạm thuần phong mỹ tục, vì thế, người làm văn hoá đừng tưởng tượng theo hướng tiêu cực để rồi đưa ra kết luận gây "ngạc nhiên".
Bên cạnh đó, trường hợp Cục Văn hóa cơ sở đã “tuýt còi” Coca Cola vì sử dụng từ “lon”, thì sau này liệu các quảng cáo có từ “lon” xuất hiện có bị "tuýt còi"? Nên nhớ, không chỉ có Coca Cola là đơn vị sử dụng từ lon mà còn cả những đơn vị khác như Heiniken, Pepsi, Sabeco... Từ sau này trở đi, việc quảng cáo các lon nước giải khát có nên thay từ "lon" bằng “dụng cụ chứa chất lỏng hình trụ bằng kim loại”?
Sự việc trên cũng khiến cộng đồng mạng phải "ồn ào" bình luận. Tài khoản facebook Vu Hung nêu ý kiến: “Người ta bán lon không mở lon thì mở gì. Trách tiếng Việt nhiều nghĩa với trí tưởng tượng cán bộ phong phú thôi”. Anh Dương Hiếu thì thắc mắc: "Tại sao Bộ không kiểm duyệt nội dung trước khi quảng cáo. Để bây giờ Coca cola quảng cáo xong rồi bảo dẹp".
Phải chăng là một cách PR?
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, câu “Mở lon Việt Nam” có thô thiển, tục tĩu hay không phù hợp văn hóa Việt Nam là do người suy nghĩ, còn bản thân câu này không có hàm ý gì phản cảm.
Nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng, đây là chiêu PR sản phẩm quá tuyệt của Coca Cola, khi chỉ cần nghĩ ra câu slogan có 4 chữ ghép vào nhau chẳng tạo ra thứ ngữ nghĩa gì sáng sủa mà khiến bao người biết đến, chẳng phải bỏ ra xu nào vẫn được quảng cáo không công. Ở góc độ truyền thông, bán hàng, không thể phủ nhận, đó là một chiêu PR thành công có lẽ ngoài dự kiến.
Anh B.T.K, một người dùng facebook nhận định: “Coca Cola đang tạo ra 1 "cái bẫy" để cố tình đặt các cơ quan quản lý vào tình huống rất éo le, mà ở đây là Bộ Văn-Thể-Du (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Kiểu làm PR chuyền hòn lửa sang tay người khác, gài bẫy các cơ quan quản lý để "biến đám cháy của nhà khác thành tiệc pháo hoa nhà mình" gần như ngay lập tức phát huy tác dụng khi mà cộng đồng facebook đang quay sang "ném đá" công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thực ra trong vụ này Bộ Văn-Thể-Du bị vào thế khó, ra quyết định xử lý cũng sẽ bị nói và ngược lại nếu như Bộ Văn-Thể-Du không kịp thời ra quyết định cũng lại sẽ bị các anh hùng bàn phím chửi rủa.”
Anh N.V.C cũng đưa ra nhận xét: “Là một dân thường, không phải chuyên gia truyền thông, chẳng phải giàu có chữ nghĩa, tôi cho rằng, đây là một "tiểu xảo" của Coca Cola, và hầu hết các bên đều mắc bẫy, cả dư luận lẫn cơ quan quản lý. Bởi nếu chỉ để quảng cáo cho sản phẩm mới, tôi nghĩ, chẳng ai lại đi dùng một câu chẳng mang lại thông điệp gì. 4 tiếng đọc lên đều có nghĩa, nhưng khi ghép vào nhau, chúng chẳng cho người ta biết được gì nhiều về sản phẩm, ngoài việc tạo cho những người có đầu óc "dí dỏm" có thể liên tưởng ra nghĩa khác nhạy cảm hơn.”
“Tôi không phân tích về từ LON, vì cả cụm từ trên viết có dấu hoặc nếu đọc lên, về lý sẽ chẳng có gì sai cả. Tôi chỉ nghĩ về từ VIỆT NAM. Mở lon Việt Nam là mở cái gì? Chẳng lẽ đất nước này thu nhỏ trong cái lon nước uống? Tại sao họ lại dùng từ Việt Nam? Có phải ý muốn nói đây là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và dùng cho người Việt? Hoặc đây là sản phẩm của hãng muốn dành cho người Việt Nam thưởng thức? Nếu đúng vậy người ta hoàn toàn có thể dùng câu khác sáng nghĩa hơn, truyền được nhiều thông điệp hơn, ví dụ như: MỞ LON COCA VIỆT. Hoặc COCA CỦA NGƯỜI VIỆT, ĐỒ UỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT, hay ít ra là: MỞ LON TRÊN ĐẤT VIỆT. Điều này, người làm PR chắc chắn ko khó để nghĩ ra. Vấn đề ở chỗ, rất có thể dù biết họ vẫn cố tình dùng câu slogan kia để cố ý tạo ra tranh cãi.”
Có thể thấy, dù có phản cảm hay không, thì rõ ràng cái tên Coca Cola đã trở thành từ khóa hot trên thanh tìm kiếm google chỉ 2 ngày sau khi thông tin Coca Cola bị Cục Văn hóa cơ sở phạt vì chữ “lon” được công bố rộng rãi.