"Mánh khóe" doanh nghiệp

Vụ việc như Asanzo, Khaisilk, Sunhouse… bị phát hiện hành vi gian dối hầu hết do người tiêu dùng, cơ quan báo chí phát hiện. Vậy cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, lực lượng quản lý thị trường đang làm gì khi để doanh nghiệp qua mặt một cách dễ dàng?

Khaisilk trà trộn khăn lụa hàng Trung Quốc và cài mác “Made in Vietnam” vẫn chưa được xử lý dứt điểm, lại đến nghi vấn Asanzo bán tivi Trung Quốc nhưng gắn mác hàng Việt Nam. Sunhouse - một thương hiệu lớn về đồ gia dụng tại Việt Nam cũng bị người tiêu dùng phát hiện bán nồi cơm điện Trung Quốc dán nhãn hàng Việt khiến dư luận hết sức bất bình và mất lòng tin vào thương hiệu Việt. Từ những câu chuyện trên có thể thấy chuyện đánh tráo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa diễn ra ngang nhiên, dễ dàng mà không bị phát hiện. 

Các vụ việc Khaisilk, Asanzo, Sunhouse đa phần đều do người tiêu dùng và các cơ quan báo chí phát hiện ra

Các vụ việc Khaisilk, Asanzo, Sunhouse đa phần đều do người tiêu dùng và các cơ quan báo chí phát hiện ra

Mới đây nhất, sau khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo bị “tố” bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam thì luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn luật sư TP Hà Nội đã đưa ra những nhận định về vấn đề này. Luật sư Trương Anh Tú cho biết, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm "bát nháo" về nguồn gốc, chất lượng. Không ít nhà sản xuất ở Việt Nam đưa ra thông tin sản phẩm rất mù mờ để đánh lừa người tiêu dùng.

Nhiều hãng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là điện lạnh, điện máy, điện tử, hàng gia dụng hay đưa ra câu từ mơ hồ đánh lừa người tiêu dùng như: công nghệ Mỹ, công nghệ Nhật Bản, công nghệ Đức... Thế nhưng, từ “công nghệ” quá mơ hồ với người tiêu dùng. Thực tế, trên thế giới chỉ có công nghệ của các nước phương Tây, còn lại là cả thế giới làm theo nên khi giới thiệu công nghệ nước này, công nghệ nước kia là vô nghĩa. Cái người tiêu dùng cần được biết là hàng hóa này chính xác sản xuất ở đâu, làm ra từ doanh nghiệp nào.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

"Các doanh nghiệp đánh vào tâm lý ủng hộ hàng Việt của người dân, trục lợi trên niềm tin của người tiêu dùng. Nếu hàng Trung Quốc được định giá trên thị trường chỉ 1 đồng nhưng gắn thêm chữ “công nghệ Đức, Nhật, Pháp… sản xuất tại Việt Nam” thì ngay lập tức giá trị tăng đến 3 đồng, 5 đồng. Hàng hóa đắt lên một cách vô lý khiến người tiêu dùng rất dễ mắc “bẫy”.

Thậm chí, doanh nghiệp còn đẩy mạnh quảng cáo, khuếch đại lên rằng họ nghiên cứu ra công nghệ kháng khuẩn, công nghệ Nano, giúp chữa bệnh tim mạch, trong khi thực chất chỉ là máy lọc nước, lố bịch hơn khi doanh nghiệp chỉ là sản xuất vải vóc nhưng lại lòe người tiêu dùng là công dụng tốt cho sức khỏe... Tình trạng này diễn ra khắp cả nước, trong nhiều năm qua”, luật sư Tú nhận định. (Theo Dân trí).

Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đặt câu hỏi: "Tại sao có nhiều cơ quan chức năng tham gia quản lý các sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất, tới phân phối, lưu thông, vậy mà một doanh nghiệp như Khaisilk, Asanzo, Sunhouse vẫn có thể qua mặt được để lừa dối người tiêu dùng một cách trắng trợn như vậy?".

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải nghiêm túc nhìn lại công tác quản lý thị trường cũng như hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Ông Lê Đăng Doanh nhìn nhận, những vụ việc này có dấu hiệu sai phạm khá nghiêm trọng, nhưng vấn đề là tại sao một doanh nghiệp hoạt động lâu như thế và trên quy mô lớn như vậy lại không bị phát hiện? Các cơ quan quản lý thị trường đã hoạt động như thế nào? Những doanh nghiệp này đã bị kiểm tra bao nhiêu lần mà ko bị phát hiện, phải để đến khi người tiêu dùng tố cáo cơ quan chức năng mới phát hiện ra?

Đề nghị làm rõ để vấn đề xuất xứ hàng hóa không chỉ dừng lại ở vấn đề nghi vấn, PGS.TS Bùi Thị An – Nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XII cho rằng, nếu có việc doanh nghiệp nhập nhèm hàng xuất xứ Trung Quốc và hàng Việt Nam cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc, kiểm tra, làm rõ công bố dư luận. Theo PGS.TS Bùi Thị An, khi xử lý doanh nghiệp phải xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan quản lý thị trường nơi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. “Vi phạm nếu có của doanh nghiệp không phải ngày một, ngày hai mà kèo dài, tại sao không phát hiện ra? Trách nhiệm cơ quan quản lý về thị trường cần phải được đặt ra”, PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.

Cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý Doanh nghiệp (Ảnh: trian.vn)

Cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý Doanh nghiệp (Ảnh: trian.vn)

Không đồng tính cách làm gian dối của doanh nghiệp bán hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, ai sai thì phê phán, việc gì sai thì lên án, không đánh đồng tất cả. Điều quan trọng nhất bây giờ là cơ quan chức năng phải đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, xử lý hành vi vi phạm, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân” - Ông Hoàng Quang Phòng nói. (Theo Báo sức khỏe Cộng đồng).

Về phía đơn vị tổ chức thực hiện đánh giá giải thưởng cho doanh nghiệp, Bà Vũ Kim Hạnh – chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mới đây đã đăng tải một bài viết rằng đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo. Tuy nhiên, thông báo của bà Hạnh đã khiến không ít người tiêu dùng băn khoăn, miếng tem dán có dính biểu tượng ngôi sao quen thuộc từ đây e rằng sẽ không còn khiến người dùng tin tưởng nữa.

Việc cần nhất là cần sự vào cuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp của các cơ qan chức năng quản lý Nhà nước, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian dối, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.

Theo Trúc An(tổng hợp)/Đô thị mới