Chính quyền kiến tạo hay o ép doanh nghiệp?

Trước đó, Công ty Phương Hiền (Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã có 3 đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ; 4 lần gửi kiến nghị tới Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và 4 lần gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị giải quyết dứt điểm việc đưa 2 tuyến xe buýt điện 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vào hoạt động trên địa bàn thành phố Sầm Sơn phục vụ du lịch.

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền (cấp dưới) khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Phương Hiền về việc thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, đảm bảo công khai, minh bạch cũng như quyền đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp này nhận được chỉ là việc trả lời lòng vòng, đá đi, đá lại của cơ quan thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa. Sự việc kéo dài nhiều năm khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “chết lâm sàng”, đối diện với nguy cơ phá sản.

Nói về nguyên nhân khiến xe buýt điện của doanh nghiệp này chưa được chấp thuận hoạt động trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, ông Vương Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết: “Đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe vận tải hành khách công cộng chạy trên địa bàn thành phố Sầm Sơn của Công ty Phương Hiền còn sơ sài, chưa làm rõ được các nội dung cần thiết cho đề án, tính cấp bách trong vận tải hành khách 2 tuyến xe buyết điện. Chưa có số liệu khảo sát đánh giá về hạ tầng giao thông, chưa kết nối được với các loại hình vận tải hành khách khác trên địa bàn...

Do đó, nếu cho doanh nghiệp thí điểm xe buýt điện xảy ra đổ vỡ thì hệ lụy về mặt xã hội. Cơ quan có thẩm quyền đề nghị Công ty Phương Hiền tiếp tục hoàn thiện đề án làm rõ tính khả thi làm cơ sở triển khai thực hiện nếu được xem xét đưa vào hoạt động thí điểm các tuyến xe buýt điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn theo quy hoạch”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Mai Thành Đồng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Sầm Sơn lại cho rằng, việc chưa chấp thuận cho doanh nghiệp được hoạt động vận tải xe buýt điện là do hạ tầng giao thông chưa đảm bảo.

 “Việc tăng xe điện cũng tốt thôi, nhưng vì hạ tầng giao thông thành phố không đảm bảo, chưa hoàn thiện. Các trục đường (chính) tại sầm sơn nhiều năm nay gần như không thay đổi. Chính vì vậy chúng tôi mới đề nghị không tăng thêm số xe điện", ông Đồng cho biết.

Ông

Ông Cao Duy Hồng, Giám đốc Công ty Phương Hiền. Ảnh của An Nguyên.

Mặc dù từ chối việc đưa xe điện của Công ty Phương Hiền vào thí điểm với những lý do nêu trên, nhưng đầu năm 2018 tỉnh Thanh Hóa lại cho bổ sung, đưa vào hoạt động 43 xe điện của một số doanh nghiệp có địa chỉ trên địa bàn thành phố Sầm Sơn. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng hoạt động của nhiều phương tiện chạy bằng năng lượng điện còn nhiều vi phạm và tiềm ẩn những rủi ro khó lường.

Về việc này, ông Đồng lý giải: “Thành phố Sầm Sơn từ năm 2016 đến nay không đề xuất tăng thêm xe điện. Việc này Thường vụ Thành ủy đã có văn bản gửi tỉnh xem xét. Tuy nhiên do vấn đề an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho thương binh, nên tỉnh mới buộc phải chấp thuận chủ trương cho tăng thêm xe điện cho doanh nghiệp khác".

"Ở đây tỉnh là người quyết định chứ Sầm Sơn không phải là người quyết định cho tăng thêm xe điện. Tỉnh chỉ đạo chúng tôi cố gắng bố trí, sắp xếp để tạo công ăn việc làm cho thương binh thì chúng tôi buộc phải làm thôi”, ông Đồng cho biết.

Đến đây, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, liệu chính quyền các cấp thuộc tỉnh Thanh Hóa có ưu ái với doanh nghiệp này, nhưng lại “khắt khe” với doanh nghiệp khác? Trả lời câu hỏi này, ông Đồng cho biết: “Cái này chúng tôi không đủ cơ sở để đánh giá...”.

Khi được hỏi về đề xuất mời thanh tra Bộ Giao thông vận tải vào cuộc xác minh, làm rõ xung quanh những khiếu nại của doanh nghiệp Phương Hiền, đồng thời xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, ông Đồng từ chối trả lời với lý do: “Cái này (câu hỏi này) thuộc thẩm quyền của lãnh đạo UBND thành phố Sầm Sơn”.

Trong khi đó ông Vương Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa thể hiện quan điểm đồng ý mời Thanh tra Bộ Giao thông vận tải vào cuộc để làm rõ những băn khoăn chủ doanh nghiệp xung quanh vụ việc nói trên.

Đề án được đầu tư công phu

GS.TS Từ Sỹ Sùa - Nhà giáo ưu tú, giảng viên cao cấp Khoa vận tải – kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải, người chắp bút cho đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận tải hành khách công cộng của doanh nghiệp Phương Hiền cho rằng, việc cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa đưa ra lý do nêu trên để không chấp thuận cho xe điện của Công ty Phương Hiền hoạt động là không có sức thuyết phục.

Vị này nói rõ: "Đề án này đã được những nhà khoa học uy tín tham gia góp ý, chỉnh sửa công phu, trong đó đánh giá khá chi tiết về hiện trạng giao thông của thành phố Sầm Sơn, sự cần thiết, sự phù hợp của loại hình vận tải này đối với du lịch...

"Chúng tôi đồng ý với ý kiến cho rằng, vận tải hành khách là công việc có liên quan tới tính mạng con người cho nên cần xem xét cẩn trọng. Nhưng cũng đừng quá khắt khe nếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về phương tiện, sự an toàn, sức chứa, hạ tầng (hạ tầng đối với xe buýt điện chủ yếu là đường xá, biển báo, nhà chờ đón khách), các thủ tục đăng ký mở tuyến, lộ trình, giá vé, tài xế... Các vấn đề này đã được nếu rất rõ trong đề án. 

Nếu nói hạ tầng chưa đảm bảo thì anh phải cụ thể lý thuyết này bằng lượng hóa chứ không phải viện lý do để làm khó doanh nghiệp. Do đó, nếu nói đề án sơ sài, hạ tầng không đảm bảo là không chính xác.

Vấn đề nằm ở chỗ, nếu doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện về kinh doanh xe buýt điện thì nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thay vì làm khó họ", Giáo sư Từ Sỹ Sùa nói.

Ông Cao Duy Hồng, Giám đốc Công ty Phương Hiền cho biết, đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện đã được gửi tới Bộ Giao thông vận tải và một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh Thanh Hóa để được góp ý:

"Đề án được một số lãnh đạo thuộc Bộ Giao thông vận tải đánh giá rằng, đây là đề án tốt, đầy đủ, đồng thời là một trong số ít đề án về thí điểm xe buýt điện có chất lượng nhất ở Việt Nam thời điểm hiện tại. Do đó, việc cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa đưa ra lý do để chưa cho phép doanh nghiệp hoạt động thí điểm xe điện là bất hợp lý”, ông Hồng nói.

Xe điện của Công ty Phương Hiền rơi vào cảnh đắp chiếu vì sự cố chấp của chính quyền Sầm Sơn? (Ảnh: An Nguyên).

Xe điện của Công ty Phương Hiền rơi vào cảnh đắp chiếu vì sự cố chấp của chính quyền Sầm Sơn? (Ảnh: An Nguyên).

Xin được nhắc lại, liên quan tới vụ việc nói trên Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đề nghị Thanh Hóa giải quyết dứt điểm vụ việc kiến nghị của Công ty Phương Hiền trong đó nói rõ, đối với Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện thí điểm đề án đầu tư xe ô tô điện vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, thời gian thí điểm là 2 năm kể từ khi đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có UBND tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm quy định, tổ chức thực hiện hoạt động thí điểm. Việc thí điểm nhằm tổng kết, đánh giá thực tiễn hoạt động của loại hình phương tiện này để tiến tới quy định chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ...

Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo phê duyệt đề án đối với doanh nghiệp có nhu cầu thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện chở khách tại các tuyến đường hạn chế đã được phê duyệt trên địa bàn thành phố Sầm Sơn; Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp thí điểm sử dụng xe điện được đăng ký, cấp biển số theo quy định...

Mặt khác, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt, tập trung hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Dự thảo luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa mới được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ khởi dậy những tiêm lực còn tiềm ẩn, để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, tại Thanh Hóa, dường như những chủ trương chính sách này vẫn còn chưa được thực thi một cách nhất quán. Hay nói cách khác, thay vì kiến tạo để phát triển thì một số cơ quan thẩm quyền tại địa phương lại có dấu hiệu làm khó, o ép doanh nghiệp?

Vụ khiếu nại của Công ty Phương Hiền suốt nhiều năm là một minh chứng điển cho thấy rõ thực tế trên. Việc cơ quan có thẩm quyền thuộc tỉnh Thanh Hóa chậm giải quyết triệt để kiến nghị của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp có nguy cơ lâm vào cảnh phá sản. Cuộc sống của hàng loạt lao động là con em thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách đã và đang gặp nhiều khó khăn...

Đón đọc bài tiếp theo: Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Nếu cứ lòng vòng, đá lên, đá xuống thì doanh nghiệp chỉ có chết mà thôi!"

Theo An Nguyên/Đô Thị Mới