Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2019 được dự đoán là một trong những năm nóng nhất. Tổ chức này cũng cho biết đợt nắng nóng ở Châu Âu là một diễn biến hoàn toàn phù hợp với các hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các chuyên gia đều nhận định rằng việc thải ra bầu khí quyền lượng lớn CO2 như hiện nay sẽ khiến hành tinh của chúng ta không còn là nơi con người có thể sinh sống. Điều đó một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học tin rằng trái đất bắt đầu nóng lên kể từ năm 1950 do hiệu ứng nhà kính. Nếu sự phát thải không được kiểm soát, giới khoa học tin rằng nhiệt độ trái đất có thể tăng quá 4,5 độ C. Mức nhiệt này sẽ làm biến đổi hành tinh của chúng ta và suy yếu khả năng hỗ trợ của trái đất cho một lượng dân số khổng lồ.
Tại nhiều nơi trên thế giới, nhiệt độ bề mặt của biển và không khí trên bề mặt trái đất, trung bình, phải cao hơn mức bình thường trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, mặc dù dự báo không xảy ra một thời kỳ El Nino thực sự.
Theo WMO, những dấu hiệu nhận biết về biến đổi khí hậu do con người đã trở nên rõ rệt hơn so với những hiện tượng liên quan đến các hiện tượng tự nhiên lớn.
"Tháng 7/2019 là tháng nóng nhất kể từ khi bắt đầu thống kê, với rất nhiều đợt nắng nóng và các thái cực khí tượng khác, mặc dù không có giai đoạn El Niño cường độ cao" – ông Maxx Dilley, Giám đốc Văn phòng Dự báo Khí hậu và Thích ứng với biến đổi khí hậu của WMO, cho biết.
Trước đó, theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2013 là 14,52 độ C, cao hơn 0,62 độ C so với mức nhiệt độ trung bình trong thế kỷ 20; năm 2014 cao hơn 0,8 độ C so với năm 1880.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng học thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhận định, dù không bị tác động nhiều bởi hiện tượng El Nino, song 2017 vẫn là năm nóng nhất. Tình trạng này đã kéo nhiệt độ tại Bắc Cực tăng bất thường trong năm 2018, trong khi Châu Âu và Bắc Mỹ hứng chịu mùa đông lạnh giá hơn.
WMO cho biết nồng độ khí CO2 trong khí quyển đã vượt ngưỡng 400 PPM, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trong 800.000 năm qua, và dự đoán mức này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, báo hiệu tương lai "ấm hơn" với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.
Thêm vào đó, WMO cũng đã xuất bản một bản tin khí hậu theo mùa, trong đó có tính đến các yếu tố khí hậu khác như lưỡng cực Ấn Độ Dương. Dự báo theo mùa này cung cấp thông tin hữu ích có thể được sử dụng để thực hiện các bước nhằm mục đích tăng khả năng thích ứng trong các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp, y tế, năng lượng và quản lý nước, hơn là để ngăn ngừa và quản lý thảm họa nếu có.
Theo bản tin của WMO, dự báo về sự bất thường nhiệt độ mặt nước biển ở các khu vực rộng lớn trên thế giới phù hợp với dự báo nhiệt độ từ tháng 9 – 11/2019, vì tất cả các dấu hiệu đều cho thấy nhiệt độ bề mặt đất sẽ ở trên mức bình thường, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới.
Theo dự báo, thời tiết sẽ ẩm ướt hơn bình thường ở vùng Sừng châu Phi. Các trung tâm khí tượng khu vực của WMO và các dịch vụ khí tượng thủy văn quốc gia của các nước liên quan cùng phổ biến thêm thông tin về các khu vực này. Giám đốc Văn phòng Dự báo Khí hậu và Thích ứng với biến đổi khí hậu của WMO cảnh báo nếu những dự báo này thành hiện thực, các hiện tượng thời tiết bất thường sẽ gây ra nhiều hậu quả không nhỏ đối với con người.
Trên thực tế thì vấn đề biến đổi khí hậu đã được nói tới từ nhiều năm nay, với nhiều nỗ lực chống tình trạng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, có vẻ mục tiêu giảm khí thải CO2 làm trái đất nóng lên đang có nguy cơ là “bất khả thi” khi khí thải của các loại phương tiện giao thông, khói thuốc lá, các hóa chất độc hại, tình trạng đốt phá rừng... vẫn đang tỏa nhiệt "thiêu đốt" hành tinh.
Tại Việt Nam, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, số liệu quan trắc cho thấy trong tháng 4 đến tháng 7/2019, tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đã xuất hiện liên tiếp nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài.
Đặc biệt, tại miền Trung đã ghi nhận một đợt nắng nóng dài nhất trong 30 năm qua. Cụ thể, đợt nắng nóng này bắt đầu từ ngày 3/6 và kết thúc trong ngày 1/7. Bên cạnh đó, nhiệt độ nắng nóng ở nhiều nơi đã vượt các mốc lịch sử từng thiết lập trước đó như tại Con Cuông (Nghệ An) là 43,3 độ C, Quỳ Hợp (Nghệ An) 43 độ C, tại Đô Lương (Nghệ An) 41 độ C. Trong đó, nắng nóng tại Hương Khê (Hà Tĩnh) lên tới 43,4 độ C. Đây là mốc nhiệt độ nắng nóng cao nhất trong lịch sử của ngành khí tượng.