Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài hơn 3000km, gió biển quanh năm,  số giờ nắng trong ngày lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để nước ta có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong cuộc sống. 

Hiện nay, nước ta chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng truyền thống đó là thủy điện, nhiệt điện than. Nguồn năng lượng này khá dồi dào với giá thành rẻ, tuy nhiên đi kèm với nó là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của con người. Thực tế, giá cả nguồn năng lượng truyền thống là rẻ nhưng chưa tính đến các chi phí ngoại biên về ô nhiễm môi trường, bệnh tật,... 

phat trien nang luong tai tao xu huong de bao ve moi truong
Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo - Ảnh minh họa.

Có thể nói Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tái tạo để phục vụ cho đời sống của nước ta còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nếu các nguồn năng lượng tái tạo được khai thác hợp lý thì có thể sử dụng lâu dài, bền vững và thân thiện vơi môi trường. Do đó, chi phí ngoại biên về ô nhiễm, thiên tai, bệnh tật,... cần được tính toán đầy đủ vào chi phí sản xuất điện để có đánh giá công bằng hơn trong việc lựa chọn loại hình năng lượng cho tương lai. 

Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, sau năm 2020, Việt Nam có khả năng không cần xây dựng thêm các nhà máy điện than mới mà vẫn đảm bảo được hệ thống năng lượng an toàn và khả thi về kinh tế. 

"Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên,  hiện tại vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi nỗ lực lớn và bước đi phù hợp của tất cả các bên liên quan để các công nghệ năng lượng tái tạo được đi vào thực tế phát triển và áp dụng", ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chia sẻ. 

phat trien nang luong tai tao xu huong de bao ve moi truong
Năng lượng tái tạo chính là xu hướng tất yếu để đầu tư cho tương lai - Ảnh minh họa.

Để năng lượng tái tạo được đẩy mạnh phát triển tại Việt Nam không phải điều dễ dàng, do nó đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt hơn, tuy nhiên, sẽ hạn chế tối đa những hệ lụy về môi trường, bệnh tật,.. Bà Ngụy Thị Khanh, người Việt Nam đầu tiên đạt giải môi trường Goldman, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID chia sẻ: "Các quyết định đối với việc phát triển hệ thống năng lượng của Việt Nam trong năm tới sẽ có tác động và hệ lụy không chỉ hôm nay mà còn tới các thế hệ sau này". 

Bởi vậy, có thể nói, đẩy mạnh khai thác năng lượng tái tạo sẽ góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam. Đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên năng lượng sạch dồi dào để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, định hướng đầu tư và đảm bảo một tương lai an toàn, khỏe mạnh cho người dân Việt Nam.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-nang-luong-tai-tao-xu-huong-de-bao-ve-moi-truong-9024.html
 

Theo Kinh Tế Môi Trường