Xăm mình đã tồn tại từ rất lâu
Xăm mình là một hình thức ghi dấu bằng mực lên cơ thể, từ đó làm thay đổi sắc tố da, vì nhu cầu thẩm mỹ, tạo ấn tượng hoặc những mục đích khác. Xăm mình xuất hiện từ thời Đồ Đá mới. Rất nhiều những xác ướp được tìm thấy từ thiên niên kỷ thứ 5 trước Công Nguyên ở Ai Cập hay Siberia. Một số những xác ướp nổi tiếng có hình xăm như Ötzi the Iceman, xác ướp của Amunet,...
Nghệ thuật xăm mình xuất hiện rộng rãi trên toàn thế giới: người Ainu ở Nhật Bản, người Berber ở Bắc Phi, người Maori ở New Zealand, những bộ lạc ở vùng đào Thái Bình Dương, Châu Mỹ, Châu Âu, Philippin, Campuchia,... Bất chấp những điều cấm kỵ xung quanh việc xăm mình, nghệ thuật này vẫn trở nên ngày càng phổ biến hơn.
Ngay tại Việt Nam, trong sách Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần viết: một trong những tục cổ xưa nhất của người Việt là xăm mình, kéo dài đến cuối thế kỉ thứ XIII, đầu thế kỉ thứ XIV mới chấm dứt. Có người nói rằng, bởi tục này mà tên nước đầu tiên của người Việt là Văn Lang.
Về nguyên nhân xuất hiện của tục này, sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) chép: Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói: “Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại”. Thế rồi, nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy.
Nhằm khẳng định lý do xăm mình của người Việt cổ, Từ điển Lễ tục Việt Nam cũng ghi: Người Việt cổ từ 2000- 3000 năm trước có tục xăm hình những con thủy quái (rồng, rắn..) lên bụng, ngực, lưng, chân, tay…. Tương truyền, thuở xa xưa con người lặn lội vùng sông nước kiếm ăn, nên xăm hình lên người để không bị thủy quái làm hại và hòa nhập với động vật ở dưới nước, từ đó mới săn bắt được chúng.
Ngày nay, tục xăm mình để chống thủy quái hay thể hiện tinh thần đoàn kết, dũng cảm chống giặc ngoại xâm không còn nữa. Thay vào đó là những trào lưu, thói quen xăm mình của giới trẻ thể hiện sự yêu thích những hình xăm “nghệ thuật” hay thể hiện cá tính riêng của bản thân. Do đó, ra đời nhiều hình thức săm nghệ thuật khác nhau.
Theo anh Vương, một thợ xăm lâu năm trong nghề (thường trú tại Hà Đông, Hà Nội) thì những hình xăm được xếp vào hàng “cổ truyền” có thể kể đến như hình hoa sen, hình hạc trên trống đồng Đông Sơn, hình rồng, hình phượng... Đây đều là những hình xăm đã có từ ngàn năm, qua thời gian mà có thể “cách tân”, sáng tạo hơn, nhưng đều mang ý nghĩa linh thiêng.
Văn hóa xăm - văn hóa đa sắc tộc
Một điều dễ nhận thấy là những hình xăm hiện nay không chỉ giới hạn với những hình “cổ truyền” đậm màu sắc huyền ảo, tôn giáo mà đã có cả sự “vay mượn” hay sáng tạo nên từ các nền văn hóa khác nhau. Một số nền văn hóa điển hình này có thể kể đến Nhật Bản với hình ảnh các võ sĩ đạo, mặt quỷ, kỹ nữ..., các nước Châu Âu với hiệp sỹ, thánh giá, cánh thiên thần...
Tuy chỉ mới ra đời từ thế kỉ XIX nhưng nghệ thuật xăm hiện đại đã có cho riêng mình nhiều bước tiến mới trong nghệ thuật xăm hình. Nghệ thuật xăm hiện đại thừa hưởng tất cả tinh hoa của nghệ thuật xăm cổ đại và trung đại. Vẫn áp dụng phương pháp xăm truyền thống là đưa mực vào dưới da bằng kim xăm, nhưng đã có sự cải tiến về các mũi kim được làm nhỏ hơn, mực xăm được sử dụng đặc biệt hơn.
Do những định kiến về văn hóa không tốt nên xăm nghệ thuật Việt Nam bắt đầu khá trễ. Trước kia những người xăm hình được xem là giang hồ, dân ăn chơi hoặc thành phần bất hảo. Tuy nhiên, giờ đây mọi người đã có cái nhìn khác, nhiều người còn xem xăm hình như một nghệ thuật.
Tuy bắt đầu trễ nhưng nghệ thuật xăm tại Việt Nam lại phát triển khá nhanh và đang dần thu hút được nhiều bạn trẻ có hứng thú với hình xăm. Số lượng thợ xăm trẻ theo học các lớp xăm mình ngày một gia tăng, cùng với sự phát triển vô cùng đa dạng về loại hình, từ nghệ thuật xăm tattoo, nghệ thuật xăm hiện đại, nghệ thuật xăm Nhật Bản, nghệ thuật xăm phương Tây,...
Anh M.H, nhân viên tại một doanh nghiệp tư nhân cho biết: “Bản thân tôi và vợ đã có đến 3 hình xăm, đều là vì yêu thích cái đẹp, sự độc đáo của những hoa văn trên cơ thể và ý nghĩa của mỗi hình, không hề có ý khoe khoang mình “hổ báo” hay “nghịch ngợm” gì. Không ít người bạn đồng trang lứa, và rất nhiều bạn trẻ tuổi hơn tôi từng xăm và coi xăm mình là một hình thức nghệ thuật.”
Văn hóa xăm mình ngày càng được nhiều bạn trẻ biết đến, đặc biệt là thông qua các sự kiện, cuộc thi liên quan, được tổ chức tại cả Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt hơn, là khi chính Việt Nam cũng có những “thợ xăm” thi đấu và đạt những giải thưởng lớn. Gần đây nhất, tại cuộc thi Taiwan I Love Tattoo diễn ra tại Đài Loan, Trung Quốc ngày 19/11/2018, thí sinh Nguyễn Đức Hoàng đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi, hạng mục Best Realistic với bức hình kín lưng có tên “Narcos”.
Được biết, Taiwan I Love Tattoo là cuộc thi do Nghệ nhân Orientching tổ chức, với quy mô 10 năm một lần bắt đầu từ năm 2008. Đây là một trong những triển lãm xăm hình uy tín và lớn nhất châu Á cho đến nay, với sự tham gia của hơn 300 nghệ sĩ xuất sắc nhất trên khắp thế giới.
Giới xăm hình có lẽ cũng ít ai không biết cái tên Phạm Đình Quang - người yêu Tattoo gọi anh là nghệ sĩ (Artist) Quang Phạm, cũng là người sáng lập QuangPhamStudio nổi tiếng ở Hà Nội. Đại gia đình và bạn bè, đồng nghiệp của anh rất tự hào anh vì liên tiếp gặt hái các giải thưởng cao, ghi danh Việt Nam trên bản đồ Tattoo thế giới. Và 2 năm liền (2018 và 2019) Quang Phạm vinh dự được mời làm Giám khảo trong 3 cuộc thi Tattoo thế giới (ở Thái Lan, Philippines và Việt Nam).
Có 1.001 lý do để giới trẻ quyết định đặt một hình xăm lên cơ thể. Nhiều người thích ghi dấu ấn quan trọng, lưu giữ kỷ niệm về người thân yêu, câu nói ưa thích, xăm do tín ngưỡng, tô điểm cơ thể vĩnh viễn như món trang sức nghệ thuật đắt tiền. Hay chỉ đơn giản là thật sự bị nghệ thuật Tattoo hiện đại đa dạng, nhiều phong cách quyến rũ…
Có người thích kiểu truyền thống châu Á, có người thích hiện đại kiểu châu Âu… tùy khả năng tài chính, cá tính và sức chịu đau mà mỗi người chọn mẫu để sở hữu một hình xăm. Thực tế, việc đánh giá con người cần dựa vào người đó thể hiện thế nào, chứ không phải những hình xăm trên cơ thể. Không chỉ là hình thức mà sâu sắc hơn là lời nói, hành động và sự cư xử cũng như việc làm của họ. Tất cả điều đó dựa trên một quá trình chứ không phải là việc của một giờ hay một ngày.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/xam-minh-net-van-hoa-co-truyen-va-hien-dai-20201231000000778.html