Trước diễn biến phức tạp của bệnh nCoV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chỉ thị do Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng phương án triển khai khu vực cách ly và BV dã chiến sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát, chi viện cho ngành y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y tế.
Đó là một trong những nội dung được nêu tại Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngay từ đầu tháng 1-2020, TP Hà Nội đã chủ động trong chỉ đạo và kiểm soát tình hình dịch bệnh: Thành lập 65 đội xung kích cơ động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; chỉ đạo phun thuốc khử trùng phòng bệnh cho tất cả các trường học trên địa bàn; thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của TP…
Trước diễn biến phức tạp ngày càng gia tăng của dịch bệnh, thực hiện Chi thị và Quyết định công bố dịch bệnh của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP chỉ thị các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và các Chỉ thị, kế hoạch của UBND TP Hà Nội về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc”, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất tử vong; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm 4 tại chỗ, không để lan rộng.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người của TP) thường xuyên, chủ động cập nhật, nắm bắt tình hình, diễn biến chiều hướng phát triển, kịp thời tham mưu UBND TP các giải pháp tăng cường hoạt động phòng, chống dịch.
Rà soát, báo cáo TP đảm bảo trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh, triển khai đề xuất mua sắm, dự toán kinh phí và thực hiện mua sắm ngay những thiết bị vật tư cần thiết đợt 1 trước 5-2-2020 báo cáo UBND TP; đồng thời, chỉ đạo các BV được phân công sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc và xử lý tại chỗ, đặc biệt là thực hiện cách ly người bệnh không để lây nhiễm. Chuẩn bị đủ nguồn nhân lực ngành y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng. Thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh trên địạ bàn; thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên trang web của Sở Y tế để người dân được biết và không hoang mang về dịch bệnh.
Hướng dẫn thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh cho nhân dân trên địa bản TP. Xây dựng kịch bản về diễn biến của dịch và Kế hoạch, biện pháp ứng phó, kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Văn hóa-thể thao chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nghiêm túc việc dừng các lễ hội chưa khai mạc; hạn chế, giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức tại các quận, huyện, thị xã trên dịa bàn TP.
Sở Du lịch theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nCoV, chỉ đạo các Cty du lịch hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các nơi đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào TP. Chỉ đạo các Cty du lịch, các khách sạn thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch.
Sở Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài TP phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo, đài của Trung ương tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP, không để người dân hoang mang lo lắng; phối hợp với ngành y tế tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để người dân chủ động trong phòng, chống dịch.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP Chỉ thị cho CATP chỉ đạo CA các quận, huyện, thị xã-đặc biệt CA khu vực của các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Trạm Y tế xã, phường trong việc giám sát quản lý và cung cấp thông tin những người đi về từ vùng có dịch bệnh corona lưu trú trên địa bàn.
Phối hợp thực hiện cưỡng chế, cách ly, khử khuẩn, triển khai các biện pháp chống dịch khi cần thiết; tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.
Tạm dừng việc cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài đến từ vùng có dịch (bao gồm cả khách Trung Quốc) đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua, trừ thị thực công vụ trong trường hợp đặc biệt. Dừng việc xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới với mục đích du lịch.
Chủ tịch UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trước UBND TP. Cùng đó, có trách nhiệm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại địa phương do Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã làm Trưởng ban; xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh corona trên địa bàn…
Việt Nam ghi nhận 8 trường hợp mắc Corona
Tính đến 7 giờ 30 phút ngày 3-2, trên thế giới ghi nhận 17.387 người mắc, trong đó có 17.205 người sống tại lục địa Trung Quốc; có 362 người tử vong, trong đó Trung Quốc 361 người, Phillippines có 1 trường hợp tử vong.
So với thời điểm ngày 2-2, số ca tử vong tại Trung Quốc đã tăng thêm 58 người (ngày 2-2 là 304 trường hợp tử vong). Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc là 181 người. Có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm trên đã ghi nhận 8 trường hợp mắc, trong đó: 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc; 1 ca là nữ công nhân đi cùng đoàn 3 công nhân làm việc tại Cty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản (đặt tại Vĩnh Phúc) sang Trung Quốc tập huấn tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Tại Hà Nội, tính đến 8 giờ ngày 3-2-2020 trên địa bàn TP chưa ghi nhận ca mắc; số trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút nCoV: 29; số trường hợp đã xét nghiệm âm tính với nCoV: 15; số trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ: 14.
Tổng số trường hợp tiếp xúc gần: 104; số trường hợp phải giám sát y tế: 40; số trường hợp kết thúc giám sát y tế: 64.
Số nghi ngờ phát hiện trong ngày 2-2-2020: Ba Vì 1; Đông Anh 1; Đống Đa: 1.
Ngày 31-1-2020, Sở Y tế đã bố trí 5 BV tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân gồm: Bệnh nhân trẻ em ở BVĐK Đức Giang; Bệnh nhân người lớn ở các BVĐK Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn.
Sở Y tế Hà Nội cũng công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do vi-rút Corona gồm: 0969082115; 0949396115; 0916865570.