Những xe rác bất quy tắc

Từ các tuyến phố lớn, đến các con ngõ nhỏ, cứ vài trăm mét, lại có từ 1 đến 2 xe rác nằm ở lòng đường. Vào giờ cao điểm, số lượng xe rác tại các tụ điểm có thể lên đến con số hàng chục. Bước vào mùa hè, nhiệt độ Hà Nội tăng lên chóng mặt, có những ngày đỉnh điểm nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 45 độ, nhiều xe rác không được che bạt dưới nhiệt độ cao, bốc mùi hôi thối nồng nặc, trở thành nỗi ám ảnh cho người dân Hà Nội.

Xe rác ở đường Láng.

Xe rác ở Trần Đại Nghĩa.

Xe rác ở Khâm Thiên.

Chị Lê Việt Linh cư trú tại Minh Khai, ngày nào cũng di chuyển từ Minh Khai đến Cầu Giấy đi làm cho biết: “Tôi di chuyển từ sáng sớm đã thấy các xe rác rải rác trên đường nhưng vẫn còn ít rác, đến khoảng 18h về thì các xe rác có thể gọi là những “núi rác nhỏ” nằm chễm chệ khi thì trên vỉa hè, khi thì xuống hẳn lòng đường. Mỗi lần đi qua đều phải nín thở vì mùi hôi nồng nặc khó chịu, nhiều khi tôi còn có cảm giác nhức đầu vì quá bốc mùi. Có ngày thứ 7 chỉ đi làm nửa buổi đã thấy xe rác chất đầy và vô tư tập kết ở đường. Tôi không thấy xe rác tập kết theo bất kỳ giờ giấc hay quy tắc nào cả”.

Xe rác ở đường Láng.

Xe rác ở đường Láng.

Những chiếc xe rác nằm ngổn ngang ở đường Láng vào lúc 12h trưa. Người thu rác vẫn đang liên tục di chuyển và thu gom rác. (Ảnh: Thu Thu)

 

Xe rác nằm ngồn ngang ở đường Láng.

Xe rác nằm ngồn ngang ở đường Láng.

Vẫn là đường Láng nhưng vào lúc 18h - giờ cao điểm, số lượng xe rác và lưởng rác đã tăng lên đáng kể, lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông Hà Nội. (Ảnh: Thu Thu)

Thực tế cho thấy, việc vận chuyển rác mạnh mẽ nhất thường diễn ra vào khoảng từ 17h đến 19h30 hàng ngày, đi ngược với Quyết định số 24/2020 của UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu thời gian thu gom rác chỉ được diễn ra từ 19h30 - 6h. Chính vì sự bất quy tắc này, vào thời điểm tan tầm, lượng xe lưu động trên đường cao vượt trội, kết hợp với lòng đường bị “vật thể lạ” lấn chiếm nên đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Khoảng 18h, người thu rác đã bắt đầu kéo xe tiếp tục công việc hàng ngày của mình. (Ảnh: Thu Thu)

 

Con phố Khâm Thiên “tắc cứng” vì lưu lượng xe cộ lớn, nhưng diện tích lòng đường còn khiêm tốn, vậy mà vẫn có hàng loạt xe rác lấn chiếm đến 1/4 lòng đường.

Con phố Khâm Thiên “tắc cứng” vì lưu lượng xe cộ lớn, nhưng diện tích lòng đường còn khiêm tốn, vậy mà vẫn có hàng loạt xe rác lấn chiếm đến 1/4 lòng đường.

 

 

Tổ hợp “nhếch nhác và tắc đường” tại Hà Nội

Từ sáng sớm cho tới đêm muộn, Hà Nội khoác lên mình bộ quần áo đầy sắc màu và được điểm xuyết thêm cả hình ảnh những chiếc xe rác ngổn ngang. Từ những tuyến phố lớn, đến những con ngõ nhỏ dọc Hà Nội như Trần Quốc Hoàn, Xuân Thủy, Nguyễn Khang, Nguyễn Trãi, Láng Hạ, Khâm Thiên, Trần Đại Nghĩa,... xe rác nằm ngổn ngang tạo cảnh tượng hãi hùng, nhếch nhác cho bộ mặt đô thị.

Xe rác ở Trần Đại Nghĩa
Xe rác xếp hàng dài vào bất kỳ thời điểm nào và biến địa điểm này thành nơi tập kết rác. Trong ảnh một dãy dài các xe rác nối đuôi nhau trên phố Trần Đại Nghĩa. (Ảnh: Thu Thu)
Xe rác ở Trần Đại Nghĩa.
Chỉ cách nhau khoảng 100m, trên phố Trần Đại có tận 2 điểm tập kết xe rác đối xứng nhau dưới chân cầu ĐH Kinh tế Quốc dân. Số xe rác tập kết có thể lên đến 13-15 xe. (Ảnh: Thu Thu)

Việc xe rác nằm la liệt tại các tuyến phố còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và kinh doanh, buôn bán của người dân.

“Không biết từ bao giờ mà người ta tập kết rác ngay cạnh nhà tôi, vào những ngày nắng nóng, do rác được thu gom không phân loại mà trộn lẫn bởi đủ các loại rác thô, hữu cơ, chai lọ… nên bốc mùi nồng nặc, ruồi muỗi bay đầy nhà. Gia đình tôi phải đóng cửa kính suốt ngày để giảm mùi nhưng cũng không đỡ hơn là bao. Xung quanh đây có hàng chục gia đình như nhà tôi đang phải chịu trận, nhưng dường như chính quyền chẳng có biện pháp gì cả, cứ vào lúc tan tầm khoảng 18h là xe lớn xe bé tập kết ngay trên đường lấy rác gây ra ùn tắc, ảnh hưởng lớn tới giao thông”, ông Bùi Ngọc Thông, cư dân sinh sống trên phố Khâm Thiên, quận Đống Đa cho hay. 

Mùi hôi nồng nặc từ xe rác để ngay trước cửa nhà trở thành nỗi ám ảnh với nhiều gia đình hết ngày này sang ngày khác. (Ảnh: Thu Thu)

Xe rác ở đường Nguyễn Công Trứ.

Xe rác ở đường Bạch Mai.

 

Nhiều điểm trung chuyển rác nằm ngay lòng đường, cạnh trường học, quán ăn, khu dân cư ở Hà Nội gây mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông. Quá trình tập kết, nước thải sinh hoạt bị chảy xuống lòng đường gây ảnh hưởng tới hạ tầng giao thông. 

Đáng nói, rác được thu về không được phân loại, nếu người dân có phân loại thì xe rác vẫn thu về một mối và đổ chung với nhau. Các xe thu gom rác hầu như không được che chắn, để "lộ thiên" rác thải cả ngày khiến cảnh quan môi trường thêm phần nhếch nhác, ô nhiễm.

Ảnh (thu thu)

Nếu cứ trộn lẫn tất cả các loại rác vào với nhau, thì việc thu gom và vận chuyển chất thải vẫn chỉ giải quyết bài toán rác thải trên bề mặt, còn câu chuyện giải quyết triệt để toàn bộ quy trình xử lý rác và tận dụng tối đa nguồn năng lượng từ rác thì vẫn còn bỏ ngỏ. 

Thu gom rác thải là câu chuyện đã được thảo luận nhiều năm qua, nhưng dường như chính quyền Hà Nội vẫn "bất lực" và minh chứng rõ nhất chính là sự nhếch nhác trên từng con phố vẫn chưa hề được xử lý triệt để. Thực tế này lại đặt ra một câu hỏi dù đã cũ, đó là: Hoàn thiện quy trình xử lý rác toàn diện và khép kín từ khâu phân loại, đến thu gom, rồi vận chuyển đến các nhà máy xử lý sẽ được giải quyết như thế nào?

Có lẽ, đã tới lúc lãnh đạo thành phố Hà Nội cần dành thời gian "vi hành" xuống từng con phố để cảm nhận được nỗi ám ảnh của người dân, chỉ có như vậy họ mới thực sự có đủ quyết tâm xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.

Thu Thu

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/xe-rac-xep-hang-dai-nao-loan-duong-pho-lanh-dao-ha-noi-co-biet-khong-20201231000010020.html