Bất cập trong quy trình 

Theo thống kê của Bộ xây dựng, mỗi năm tổng lượng rác thải sinh hoạt của ở đô thị đổ ra gần 38 nghìn tấn mỗi ngày, tuồn ra biển khoảng 25,5 triệu tấn mỗi năm. Biện pháp xử lý rác thải phổ biến nhất ở Việt Nam là chôn lấp (chiếm trên 70%), đốt thủ công (chiếm 28%).

Chôn lấp là biện pháp thường thấy khi nó ít tốn kém và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây là phương pháp không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước phát triển vẫn áp dụng. Chỉ cần có quy hoạch, chọn nền móng phù hợp đảm bảo vệ sinh và thu được lượng nước thải thì sẽ an toàn cho môi trường sống.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Giảng viên khoa môi trường tại ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội, các bãi chôn lấp ở Việt Nam phần lớn không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Nguyên nhân vì bãi chôn lấp không có tầng lót đáy dẫn đến hiện tượng nước rác rỉ ngấm đất gây hôi thối và ô nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Giảng viên khoa môi trường tại ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội

“Chôn là hình thức vẫn dùng lâu nay, nhưng với chất dẻo chẳng hạn, chôn bao lâu nó mới phân hủy hết? Rồi còn nhiều điều cần phải bàn, thứ nhất là nước rỉ từ rác, thứ hai là ruồi, thứ ba là động vật có vú nhỏ sống trong bãi rác như chuột, mèo hoang có thể lan truyền vi khuẩn như vi khuẩn ăn thịt người Whitmore. Vi khuẩn này từ xác chết của động vật chảy theo dòng nước bẩn ngâm xuống bùn và chẳng may con người tiếp xúc với bùn đất đó sẽ gây bệnh. Người ta cứ nói, đất bùn ô nhiễm nhưng chính xác là từ động vật chứ bùn không thể tự nhiên mà hình thành nên Whitmore, nó chỉ là môi trường chứa vi khuẩn thôi”, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe nói.

Chưa kể đến việc, những bãi chôn rác tại các thành phố luôn trong tình trạng quá tải, nguy cơ gây ô nhiễm nước và không khí là điều dễ có.

Còn đối với phương pháp đốt, tưởng chừng đơn giản nhưng còn nguy hại hơn chôn lấp nếu không được trang bị lò đốt công nghệ cao hay là đốt nhỏ lẻ không theo quy trình nào cả. Khi đốt rác, nếu lẫn cả nhựa và nilon sẽ thải ra những loại khí rất độc hại là furan và dioxin. 

“Hiện nay tại Việt Nam xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp, còn xử lý bằng đốt thì vẫn là quy mô nhỏ và rời rạc chứ nó không phải là quy mô lớn. Nhiều nơi người ta xử lý đốt nhưng rất ít so với lượng rác phát sinh ra. Hơn nữa công nghệ đốt cũng không phải dễ dàng, làm không tốt còn có thể gây ô nhiễm môi trường. Vì nhiệt độ không đủ lớn sẽ sinh ra chất độc màu da cam dioxin”, ông Hòe phân tích..

Biện pháp xử lý 

Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng rác thải ứ động và khó xử lý là quá trình thu gom và xử lý rác chưa triệt để, công tác kiểm tra, kiểm soát quy trình xử lý thu gom rác còn buông lỏng. Trong khi đó, công tác quy hoạch những bãi chôn lấp rác cho các tỉnh thành vẫn chưa cụ thể, rõ ràng.

Nhìn vào quy hoạch của bãi rác Đa Phước là một ví dụ, để rác được tập kết vào bãi rác này phải đi qua quốc lộ 50. Cứ đến hẹn lại lên, người dân các khu vực phía Nam TP. HCM, huyện Bình Chánh, quận 7, quận 8 và huyện Nhà Bè phải khốn khổ chịu đựng mùi hôi thối phát ra từ bãi rác Đa Phước.

Đốt rác tự phát không theo quy trình cũng gây ô nhiễm

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC), PGS.TS. Phùng Chí Sỹ cho rằng, rác quá tải là hệ quả của sự bất cập trong công tác quản lý, quy hoạch, về kỹ thuật, về tài chính và cả nhận thức của cộng đồng.

"Khảo sát nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam, tôi có một nhận định chung là phần lớn các bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải đang trong tình trạng quá tải. Mùi hôi từ các bãi rác gây ô nhiễm cho khu vực lân cận. Một số bãi chôn lấp rác thải quy mô lớn (từ một đến vài nghìn tấn/ngày) gây ô nhiễm cho cả khu vực rộng lớn với khoảng cách xa tới cả chục km. Nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp không được thu gom, xử lý triệt để, kịp thời đã gây ô nhiễm các nguồn nước mặt, thấm xuống đất gây ô nhiễm đất và nước ngầm. Đó là chưa kể vấn đề phát sinh ruồi nhặng, gây rất nhiều phiền phức cho sinh hoạt của người dân sống tại các khu vực lân cận các bãi chôn lấp", PGS.TS. Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh.

Cả nước hiện có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ, 904 bãi chôn lấp (trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh). Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc kết hợp nhiều phương pháp xử lý. Có khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (tương đương 43 nghìn tấn/ngày, đêm); 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (tương đương 9,5 nghìn tấn/ngày, đêm) và 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt (khoảng 8.000 tấn/ngày, đêm).

Việc xử lý rác thải chỉ có thể giải quyết khi kết hợp giữa công nghệ xử lý rác và phân loại rác tại nguồn cùng với thu gom vận chuyển rác phải đồng bộ. Để làm được những điều này cần sự hợp tác của người dân thông qua quản lý của chính quyền.

Với những nhà sản xuất, làm sao phải có biện pháp giảm tối đa rác thải trong quá trình sản xuất, sản phẩm có vòng đời lặp lại và có thể sử dụng nguồn phế thải hiện hữu để sản xuất sản phẩm; người tiêu dùng phải có ý thức tái sử dụng đồ nhựa dùng một lần và hạn chế thải rác bừa bãi ra môi trường.

Đúng như PGS.TS Hòe nhận định, vì dân số càng ngày càng tăng nên rác thải ra môi trường ngày càng lớn, vì thế rác đang là một vấn nạn và “các biện pháp xử lý không chỉ nằm ở công nghệ thu gom mà còn nằm trong một kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế quốc dân, hài hòa với các lĩnh vực khác thì mới có thể quản lý. Tất cả mọi sự trong xã hội này từ chính quyền, đoàn thể, người tiêu dùng đều phải có hành xử theo hướng quản lý rác bền vững chứ không chỉ trông chờ bất cứ một cá nhân nào”.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới