Hàng chục nghìn người “trốn”, nợ BHXH, BHYT
Thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, tính hết ngày 31-5-2019, Vụ Thanh tra - kiểm tra (BHXH Việt Nam) đã chủ trì thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp tại 5 tỉnh: Bình Dương, Phú Yên, Bắc Ninh, Quảng Nam, Cao Bằng; phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra tại tỉnh Nghệ An, Cà Mau và Lào Cai.
Qua thanh tra tại 4 tỉnh (Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Ninh, Cà Mau) đã phát hiện 428 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng hơn 1 tỷ đồng; 1.580 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng trên 2,3 tỷ đồng. Kết quả, tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là hơn 15,2 tỷ đồng.
BHXH các tỉnh, TP đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6.359 đơn vị, trong đó Thanh tra chuyên ngành đóng tại 2.562 đơn vị; kiểm tra tại 2.921 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 876 đơn vị.
Qua đó, phát hiện 7.024 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng gần 28,6 tỷ đồng; 6.713 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng trên 5 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện đóng nộp số tiền nợ BHXH, BHYT trong thời gian thanh tra là hơn 205,7 tỷ đồng.
Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH,BHYT và BH thất nghiệp. Ảnh: TL |
Nguyên nhân và giải pháp xử lý
Ông Mai Ðức Thắng, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT có nhiều, nhưng nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất là từ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động chưa tốt. Một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho người lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước.
Do vậy, việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng BHXH, BHYT vẫn xảy ra. Thực tế, có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng vẫn cố tình không đóng BHXH, BHYT, hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn. Thậm chí, họ chấp nhận đóng lãi suất chậm nộp, lạm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động để quay vòng vốn vì tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp.
Nhận thức của chính người lao động về chính sách BHXH, BHYT cũng chưa đầy đủ nên còn có những trường hợp đồng ý với chủ sử dụng lao động trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT. Có người hiểu biết về chính sách nhưng lại vì sức ép việc làm nên không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình. Một số trường hợp khác chưa thật sự quan tâm đến BHXH, BHYT, không nắm bắt thông tin của việc đóng - nộp BHXH, BHYT của bản thân nên không có thông tin về việc chủ sử dụng lao động nợ BHXH,…
Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở tại DN chưa thật sự hiệu quả; chưa làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Ngoài ra còn có một lý do khiến tỷ lệ nợ BHXH gia tăng là các DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên cũng chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động…
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT. Trong đó, tăng cường phối hợp tổ chức công đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến người sử dụng lao động và người lao động, nhằm thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của người sử dụng lao động và người lao động.
Ðồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ nhằm đốc thu: Giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ ngay từ đầu năm đối với BHXH từng tỉnh, TP; yêu cầu cán bộ chuyên quản thu bám sát đơn vị để đôn đốc DN đóng kịp thời số phát sinh; công khai danh tính đơn vị nợ BHXH, BHYT trên phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, TP hằng tháng báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý; tập trung đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ từ 03 tháng trở lên, đặc biệt tại các đơn vị có số nợ lớn. Đồng thời, chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện Quyết định thanh tra đến cơ quan Công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/xu-ly-tot-no-bhxh-bhyt-bao-dam-quyen-loi-nguoi-lao-dong-151924.html