Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó Chánh văn phòng BHXH Việt Nam cho hay, ước đến 31-3-2019, trong cả nước, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,5 triệu người; BHXH tự nguyện là 295 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 12,78 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 83,6 triệu người. Trong đó, BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 88,1% dân số.

Lũy kế hết tháng 3-2019, toàn ngành BHXH thu 77.100 tỷ đồng, đạt 21,4% so với kế hoạch dự kiến Chính phủ giao. Đáng quan tâm, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban thu, BHXH Việt Nam cho hay, số nợ BHXH vẫn tăng, tính hết tháng 2 -2019 đã tăng 6.634 tỷ đồng, so với đến 31-12- 2018 đã tăng 1.355 tỷ đồng.

Số nợ tăng ở tất cả các tỉnh, thành, các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế ngoài quốc doanh. Nguyên nhân, theo ông Thắng là do quy định về quản lý, xử lý nợ BHXH chưa có nên DN còn tình trạng chây ỳ và do ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động.

no dong bhxh co phan nguyen nhan do chua co quy dinh ve quan ly xu ly no
Phó trưởng ban thu BHXH Việt Nam, ông Mai Đức Thắng phát biểu tại cuộc họp

Một số đơn vị có ý thức chấp hành chưa tốt quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN, tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác. “Nhiều DN vẫn hoạt động bình thường nhưng vẫn nợ đọng BHXH”, ông Thắng nói.

BHXH Việt Nam chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, ngay từ đầu năm đã có văn bản yêu cầu cán bộ chuyên thu phải bám sát DN, nhất là DN nợ, hàng ngày phải đôn đốc, định kỳ 15 ngày không nộp thì lập biên bản, nếu 2 lần vẫn không được thì báo cáo lập đoàn thanh tra xử phạt.

“Chúng tôi dự kiến thực hiện việc thanh tra tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo. Ngoài ra, sẽ công khai danh tính các DN nợ lên các phương tiện thông tin đại chúng, biện pháp này cũng khá hiệu quả”, ông Thắng cho biết.

Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng (CA, Tòa án, VKS, Lao động, Liên đoàn,....) cùng cấp nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này. Trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, kiến nghị CQCA điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự, hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm với CQCA để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật. BHXH các tỉnh, thành hàng tháng báo cáo kết quả thu nợ BHXH để cấp ủy, chính quyền địa phương biết.

Ông Mai Đức Thắng cho hay, đến nay 23 cơ quan BHXH tỉnh, thành đã chuyển hồ sơ sang CQĐT, đề nghị khởi tố 126 DN nợ đọng BHXH. Tuy nhiên đến nay các cơ quan tố tụng chưa xử lý được vụ nào cả.

Theo Phó TGĐ BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, BHXH, BHYT, BHTN gắn với quyền lợi của người lao động. Việc DN nợ vào những tháng đầu năm rồi đóng vào những tháng cuối năm khiến quyền lợi của nhiều người lao động không được đảm bảo thường xuyên, liên tục. Năm 2019, ông Đào Việt Ánh cho biết, BHXH Việt Nam sẽ mở rộng thanh tra không chỉ với việc đóng mà cả chế độ hưởng BHXH.

Đáng quan tâm, tính đến ngày 25-3-2019, BHYT đã thanh toán cho 764 lượt khám chữa bệnh nội trú với số tiền từ 200-500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú; 37 lượt khám chữa bệnh nội trú, có chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị, trong đó có 7 lượt khám chữa bệnh có chi phí trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.

Cụ thể như một bệnh nhân có địa chỉ tại Hoàng Diệu Vĩnh Nguyên, Nha Trang, Khánh Hòa, điều trị tại BV Chợ Rẫy - TP HCM, được chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền, được BHYT thanh toán chi phí 1,07 tỷ đồng; một bệnh nhân khác tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, điều trị tại BV Bạch Mai-Hà Nội chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, được thanh toán chi phí khám chữa bệnh 1,2 tỷ đồng.

Trong quý 1-2019, toàn ngành BHXH cũng đã giải quyết 30.352 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 142.134 người hưởng trợ cấp 1 lần; 2.662.515 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 22.703 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 3.367 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề… Đến hết tháng 3-2019, số chi BHXH, BHYT, BHTN là 71.852 tỷ đồng, trong đó ước chi BHYT là 21.155 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam cũng cho hay, hiện các cơ sở khám chữa bệnh có chức năng điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc đã được cấp thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT. Người bệnh HIV/AIDS có thẻ BHYT sẽ được chi trả theo phạm vi quyền lợi của nhóm đối tượng, còn lại phần đồng chi trả sẽ được nguồn ngân sách của các địa phương hỗ trợ.

Theo phapluatxahoi.vn