Sáng ngày 19/11, tại hội thảo “Hệ lụy của loại hình Uber taxi, Grab taxi và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng vận tải và phát triển bền vững” do Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã tiếp tục than thở về Uber và Grab taxi.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội: Thời gian qua, cả Uber và Grab taxi đều thực hiện khuyến mại nhằm thu hút khách hàng, cùng nhiều hoạt động khác đã và đang gây lên những xáo trộn nhất định cho thị trường.
“Về bản chất, 2 công ty này không cung cấp dịch vụ vận tải, chỉ tạo ra nền tảng để các bên có nhu cầu gặp nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty này đã không chỉ đơn thuần kinh doanh phần mềm, mà còn đang lấn sân sang cả kinh doanh xe taxi”, ông Quân nói.
Một đại diện của VIC Taxi Hà Nội cho rằng: Grab, Uber đang kinh doanh giống như taxi truyền thống nhưng không phải chịu sự quản lý như các hãng khác.
Theo đó, 2 hãng này đang tận dụng nhiều xe tư nhân để kinh doanh, tự ý đặt cước gây rối loạn thị trường, đồng thời gây ách tắc giao thông ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh, các công ty Grab, Uber đang trực tiếp thực hiện các hoạt động của một công ty kinh doanh xe taxi, bao gồm: lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe; tiếp nhận nhu cầu của khách, thực hiện việc cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách; điều động xe, quyết định hành trình đi của xe; quyết định hành trình đi của xe; quyết định giá cước khi kết thúc hành trình; thu phí của lái xe, khuyến mãi cho khách hàng; nhận và giải quyết phản hồi của khách hàng…
Như vậy, xét ở khía cạnh pháp lý, Uber và Grab đang vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Cụ thể, theo Điều 67 Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì loại hình kinh doanh xe taxi là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn vị kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện nhất định như đăng ký kinh doanh, bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng phương tiện phù hợp với loại hình kinh doanh; xe phải gắn thiết bị giám sát hành trình, lắp đặt bảng hiệu, logo, đồng hồ tính cước…
Đó là những điều kiện mang tính bắt buộc để một công ty taxi hiện nay được hoạt động.
Với quy định trên cho thấy, nếu công ty Grab hay Uber muốn tham gia thị trường cung cấp dịch vụ taxi ở Việt Nam thì họ chỉ có thể lựa chọn một trong hai hình thức: Thứ nhất, tự thành lập doanh nghiệp kinh doanh xe taxi của riêng mình theo đúng như quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh xe taxi hiện có với tư cách là công ty đối tác cung cấp giải pháp công nghệ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp taxi.
Và trong trường hợp này, công ty cũng không được tự ý định giá cước cho hành khách, thu phí của lái xe và đăng ký khuyến mãi cước vận tải như đang làm mà những việc này vẫn phải do doanh nghiệp kinh doanh xe taxi thực hiện.