Theo lời kể của người nhà, ngày 8/2, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, phát ban, tính chất ban dạng sởi, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi. Sau đó được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội) với chẩn đoán sốt phát ban, xét nghiệm IgM sởi dương tính.

Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện khó tiếp xúc, rối loạn định hướng, bí tiểu và được chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi và chuyển đến Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 17/2.

Xuất hiện bệnh nhân biến chứng viêm màng não do sởi

Số bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến. Ảnh minh họa

PGS.TS Đỗ Duy Cường - TrưởngKhoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ có biến loạn với chẩn đoán viêm não - màng não do sởi. Khai thác bệnh sử dịch tễ được biết, trước khi phát bệnh, bệnh nhân đang sống và làm việc tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) vốn là nơi được xác định đang có dịch sởi và không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó hay chưa.

Theo PGS Cường, viêm não - màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp. Đây ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não - màng não gặp trong mùa dịch năm nay. Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, thở oxy và đang được theo dõi sát sao tại phòng hồi sức cấp cứu.

“Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg) là loại thuốc rất đắt tiền. Nếu điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng không loại trừ nguy cơ dẫn tới tử vong hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, tinh thần, thể chất. Vì thế, hiện bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại phòng hồi sức”, PGS Cường cho hay.

Theo cảnh báo của các bác sĩ, ngoài viêm não, bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù loà,... Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Theo congly.vn