Năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới và đã bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục 2,4 tỷ USD. Sau đỉnh dịch, lượng tồn kho nhiều, sản xuất chế biến hồi phục, nhu cầu trên các thị trường đều tăng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giá xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng từ 20-55%, nhất là tại thị trường Mỹ. Xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung cá thịt trắng tại nhiều thị trường sụt giảm, tạo cơ hội cho cá tra tăng thị phần.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng dự báo, năm 2023, lạm phát đang làm sụt giảm nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới, xuất khẩu cá tra cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Mặc xu hướng giảm và giá cá thịt trắng tăng mạnh, cá tra Việt Nam vẫn nhìn thấy cơ hội lạc quan trong năm 2023 với lợi thế về nguồn cung ổn định và giá cả phù hợp, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ổn định hơn so với các ngành hàng khác và dự báo bứt phá mạnh mẽ khi thị trường bình ổn trở lại.

Hiện cá tra của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết thị trường truyền thống, khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản. VASEP cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu cá thịt trắng từ 1,5 - 2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16 - 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Không kém cạnh, xuất khẩu cá ngừ chạm 1,03 tỷ USD. Xuất khẩu cá ngừ liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua: 651 triệu USD năm 2018; 730 triệu USD năm 2019; 648 triệu USD năm 2020 và 733 triệu USD năm 2021. Năm 2022, lần đầu tiên chạm tới mốc 1,03 tỷ USD. Mỹ, Canada, Nhật Bản, Israel và Arab Saudi là 5 thị trường nhập khẩu chính cá ngừ của Việt Nam.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tăng 120% so cùng kỳ năm 2021. Thái Lan tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 6 của Việt Nam trong năm 2022.

Theo VASEP, trong bối cảnh này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam với lợi thế về mặt thuế quan theo hiệp định EVFTA đang có sức cạnh tranh tốt hơn so với các nước như: Philippines, Indonesia hay Thái Lan.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chú trọng hơn vào những sản phẩm có giá bán rẻ hơn. Ngoài ra, chi phí đầu vào đánh bắt vẫn cao, chưa gỡ được thẻ vàng IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản... vẫn là những trở ngại cho ngành cá ngừ.

Theo baodansinh.vn

Nguồn: https://baodansinh.vn/xuat-khau-ca-ngu-cham-103-ty-usd-xuat-khau-ca-tra-dat-ky-luc-24-ty-usd-20230124215715.htm