Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm 66,8% thị phần, nhưng giá trị giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 4%, tăng 10,7%; Hàn Quốc chiếm 3,4%, tăng 12,3%; Nhật Bản chiếm 3,2%, tăng 12,6%.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan... tăng mạnh nhưng khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc, bởi khoảng 2/3 giá trị xuất khẩu được tạo nên bởi thị trường này.
Xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 3,5 tỷ USD |
Xét về chủng loại trái cây: Thanh long đạt 974,3 triệu USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018; sầu riêng đạt 759 triệu USD, giảm 17,4%; măng cụt đạt 168,5 triệu USD, giảm 1%; dừa đạt 109,1 triệu USD, giảm 34,9%; nhãn đạt 104,4 triệu USD, giảm 56,2%; ớt đạt 56,1 triệu USD, giảm 47,7%; dưa hấu đạt 55,7 triệu USD, giảm 26,4%; nấm hương đạt 45,7 triệu USD, giảm 59,3%; khoai lang đạt 35 triệu USD, giảm 43,6%; mộc nhĩ đạt 20,7 triệu USD, giảm 58,3%...
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2019 đạt 123 triệu USD, đưa tổng kim ngạch rau quả nhập khẩu 11 tháng lên 1,63 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan là nguồn nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 29,7%, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Trung Quốc chiếm 25,6%, tăng 10,1%; Hoa Kỳ chiếm 15,5%, tăng 54%; Australia chiếm 6,3%, tăng 4%.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho hay, do xuất khẩu rau quả gặp nhiều khó khăn, khiến giá bán nhiều sản phẩm trái cây của nông dân tại vườn cho thương lái sụt giảm nhiều.
Giá sầu riêng năm nay đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg; nguyên nhân chính là từ giữa năm 2019, Trung Quốc đã siết chặt hoạt động nhập khẩu trong khi đó sầu riêng là mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính ngạch. Giá thanh long tại các nhà vườn ở Bình Thuận từ đầu vụ đến nay luôn ở dưới mức 10.000 đồng/kg nhưng từ đầu tháng 11 đến nay, giá chỉ còn ở mức 5.000-7.000 đồng/kg...
Để sản phẩm rau quả "vượt rào" một cách căn cơ, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Chính phủ có những ưu đãi cho ngành nông nghiệp trong việc đầu tư các chương trình, đặc biệt là những chương trình trọng điểm, xây dựng những chương trình giám sát sản xuất - kinh doanh.