Xuất khẩu rầu riêng ghi nhận kết quả ấn tượng và dự kiến loại trái cây này sẽ đóng góp khoảng 1 tỷ USD trong bức tranh xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2023
Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 tỷ USD rau quả trong quý 1, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 23%.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit), cho biết có được kết quả này là do việc ký kết các nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng, khoai lang và chuối sang Trung Quốc qua đường chính ngạch.

Xuất khẩu bưởi sang Mỹ, chanh dây sang New Zealand cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành.
Xuất khẩu bưởi sang Mỹ, chanh dây sang New Zealand cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành.

“Sầu riêng là mặt hàng góp công lớn vào kết quả xuất khẩu ấn tượng những tháng đầu năm nay. Kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này dự kiến đạt 1 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành lên 4 tỷ USD trong năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Nguyên cho biết.

Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do cũng là động lực quan trọng giúp xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong những tháng đầu năm và góp phần quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của ngành trong năm nay.

Cũng theo ông Nguyên, nhu cầu nhập khẩu trái cây tốt ở Trung Quốc có thể giúp nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý 2 lên 10% hoặc cao hơn, đồng thời dự đoán doanh thu có thể đạt khoảng 2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023.

Hiện Vinafruit đã có kiến nghị với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, đặc biệt là Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc nghiên cứu, đàm phán để ký kết thêm Nghị định thư cho một số mặt hàng xuất khẩu chính ngạch như thanh long, xoài, dưa hấu, mít, chôm chôm, cùng với việc mở rộng thị trường cho các loại trái cây khác như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.

Ngoài Trung Quốc, cũng cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường khác như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia.

Theo Tổng thư ký Vinafruit, khó khăn lớn nhất hiện nay là không có nhiều mã vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Hiện mới có 246 vùng trồng và gần 100 cơ sở đóng gói được cấp mã số, thấp hơn nhiều so với con số tương ứng 20.000 và 2.000 của Thái Lan.

Với diện tích gần 110.000 ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ gặp ách tắc nếu năm nay không cấp thêm mã số vùng trồng.

Vinafruit cũng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành kêu gọi đầu tư công nghệ tiên tiến cho các nhà chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo chỗ đứng vững chắc hơn cho trái cây Việt Nam tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên tổ chức các lễ hội trái cây Việt Nam để giới thiệu trái cây đến người dân nước sở tại và du khách quốc tế.

Theo thuongtruong.com.vn

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/xuat-khau-rau-qua-co-the-dat-4-ty-usd-trong-nam-nay-103120.html