Nhằm đảm bảo nhu cầu phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do vi-rút Corona cho người dân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi nâng giá, buôn bán hàng giả, găm hàng… với các mặt hàng dùng để phòng, chữa bệnh Corona.

Theo đó, tại Kế hoạch số 23/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút mới Corona (nCoV), Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với CATP, các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng động vật và thực phẩm động vật nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ đang có dịch, các mặt hàng thủy hải sản, nội tạng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, nhà hàng kinh doanh tại các khu du lịch, lễ hội kinh doanh các loại động vật hoang dã bị cấm kinh doanh; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không sử dụng, tiêu thụ thức ăn từ động vật hoang dã.

Cùng đó, tăng cường quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi trục lợi khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, dụng cụ bảo hộ (khẩu trang, găng tay…); để sản xuất, kinh doanh buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh .

Lực lượng chức năng của Hà Nội xử phạt một cửa hàng bán khẩu trang y tế với giá cao tối 31-1 (ảnh Công Phương)

Phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao để đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, bán hàng giả không đảm bảo chất lượng nhằm thu lời bất chính.

Cũng tại Kế hoạch này, UBND TP nêu rõ: Sở Y tế Hà Nội là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người của TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tốt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ dịch bệnh nêu trên; thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên trang web của Sở Y tế để người dân được biết và không hoang mang về dịch bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo mạng lưới y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh ở cả hệ thống điều trị và dự phòng; chỉ đạo các bệnh viện bố trí khu (phòng) cách ly đặc biệt, có đủ trang thiết bị cấp cứu, điều trị tích cực để thu dung, cách ly điều trị người bệnh khi có ca bệnh, ổ dịch. Đảm bảo nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc chống nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo tại cơ sở điều trị.

Thành lập các đội cấp cứu, điều trị cơ động, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới. Chuẩn bị sẵn sàng phương án thành lập bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị người bị bệnh trong trường hợp bùng phát dịch.

Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch. Sở GD-ĐT chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học, chú trọng vệ sinh môi trường, hướng dẫn học sinh thực hiện vệ sinh cá nhân; phun hóa chất khử khuẩn tại các trường đại học, cao đẳng, mẫu giáo, các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập…

Sở Du lịch theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch; không tổ chức các đoàn du lịch tới các nơi đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch tư vùng có dịch vào TP. Chỉ đạo các công ty du lịch, khách sạn thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần nắm bắt tình hình sức khỏe của khách du lịch và hành trình của đoàn khách đến từ vùng có dịch cho cơ quan y tế địa phương.

Theo Pháp luật & Xã hội