Tại các nước Đông Nam Á, 2 ngày mua sắm trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay là dịp 11/11 và 12/12. Vào thời điểm này, các trang web thương mại điện tử thường có những chương trình khuyến mại giảm giá, miễn phí vận chuyển để khuyến khích khách hàng mua sắm.

Tuy nhiên ở mỗi quốc gia, do khác biệt về văn hoá mà mỗi dịp khuyến mại lớn lại có những hiệu quả khác nhau

Dịp lễ độc thân 11/11 bắt đầu từ Trung Quốc. Vào năm 2009, dịch vụ thương mại điện tử Alibaba đã biến ngày này thành một dịp mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới. Khi đó website này đã thu về hơn 14,3 tỷ USD và năm ngoái họ đã thu hơn 30 tỷ USD.

2 nước trong khu vực Đông Nam Á khác là Malaysia và Singapore cũng có doanh số rất tốt trong dịp này. 11/11/2018, doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Malaysia đã tăng 420% và Singapore đã tăng 368%.

Những dịp mua sắm khác, mức độ tăng trưởng đều nhỏ hơn. Trong khi đó người dùng tại Việt Nam lại có xu hướng ngược lại.

Hình minh họa

Theo dữ liệu của Crite, vào các dịp 11/11 trước đây, lượng mua sắm trên Internet của Việt Nam chỉ tăng 64%. Còn ngày 12/12 cũng chỉ tăng 97%.

Dịp mua sắm trực tuyến mạnh nhất tại Việt Nam là ngày Black Friday với mức tăng trưởng mua sắm hằng năm đều đạt 3 chữ số.

Tình trạng này đến từ nhiều lý do, một phần trong đó đến từ chính các nhà bán lẻ. Họ chọn việc sẽ tự thực hiện các khuyến mại, tự thực hiện các chiến dịch quảng cáo mà không thông qua các website thương mại điện tử lớn nên doanh số cho các trang thương mại điện tử không tăng lên nhiều trong các dịp cuối năm.

Ngoài ra vào các dịp khuyến mại lớn của các năm trước, người tiêu dùng thường gặp phải tình trạng khuyến mại ảo, chậm giao hàng nên họ thường tự so sánh giá, chính sách bán của các website bán hàng khác nhau trước khi có quyết định mua.

Để săn hàng giảm giá, người tiêu dùng cần phải nắm rõ những bí quyết sau để tránh những tai nạn khi mua hàng:

Gặp phải hàng giả

Trường hợp mua sale ngày 11/11 gặp phải hàng giả là điều không hề hiếm gặp ngay cả khi đó là hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

Hàng hóa trên sàn thương mại điện tử phần lớn do cá nhân, tổ chức nhỏ mở bán do đó, mỗi người bán có thể bán từ hàng chục đến hàng trăm sản phẩm khác nhau dẫn đến bộ phận kiểm duyệt sàn thương mại khó có thể quản lý 100%.

Đặc biệt, nhiều sạp hàng online còn đầu tư comment ảo, review ảo,... nhằm thu hút lòng tin của người tiêu dùng. Vì thế, mà rất nhiều người tiêu dùng mua phải hàng giả mà không hề hay biết. Ngay cả khi đã thông báo với các sàn thương mại việc giải quyết cũng rất mất thời gian, rắc rối. Thậm chí,nhiều món hàng giá trị thấp còn coi như mất trắng.

Do đó, dù ở bất kỳ đâu trong bất cứ sự kiện nào người tiêu dùng cũng đừng quá ham rẻ. Mức giảm khoảng 30% là mức tối đa mà người mua có thể chấp nhận được nếu không muốn mạo hiểm.

Mua giá trên trời mà cứ tưởng rẻ

Trước khi bắt đầu săn hàng giảm giá, nhiều tiêu dùng cần kiểm tra kỹ giá sản phẩm, liệu mức giá đang giảm có thực sự thấp như lời quảng cáo không. Chiêu trò để giá niêm yết cho cao rồi đặt mức giảm giá 50%-80% không hề xa lạ ở Việt Nam. Đó là chưa kể đến vấn đề chất lượng sản phẩm, hậu mãi của sản phẩm có thể bị cắt giảm bao gồm cả hàng hóa bị lỗi mốt, hàng ế lâu năm.

Chính sách trả lại hàng

Trước khi quyết định xuống tiền mua bất kỳ sản phẩm gì, người mua cần phải đọc kỹ chính sách trả lại hàng để nắm rõ sản phẩm đó có được trả lại hay không và có bị tính phí khi trả lại không. Người mua cùng cần tìm hiểu xem thời gian nhận trả hàng và cách thức trả hàng như thế nào.

Cẩn trọng với link lạ gửi đến mail, facebook...

Lừa đảo qua click link không còn xa lạ tuy nhiên, nếu gửi trong dịp các sàn thương mại điện tử sale lớn ồ ạt chắc chăn không ít người mất cảnh giác mà click vào. Thâm chí, có nhiều đường dây lừa đảo còn đầu tư những số điện thoại đẹp, email có tên na ná với các doanh nghiệp lớn... để liên hệ với bạn. Chỉ cần click vào hay đặt mua, bạn có thể sẽ bị đánh cắp tài khoản ngân hàng, trả tiền cho hàng kém chất lượng, mất nick Facebook, mất email…Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, lực chọn những trang web uy tín để có thể lựa chọn cho mình sản phẩm tốt nhất.

Phí vận chuyển cao chóng mặt

Phần lớn hàng hóa về Việt Nam đều phải đóng thuế và phí khai báo hải quan. Nhìn chung thì giá trị dưới 2 triệu sẽ đóng thuế khoảng 10%-20 số tiền, trên 2 triệu thì sẽ đóng thuế khoảng 20%-30 số tiền. Đó là chưa kể phí ship về Việt Nam khoảng 10-30 USD và thời gian chờ lâu. Sau khi cộng hết tất cả chi phí, thuế quan, một món hàng giảm 40% hóa ra sẽ chẳng rẻ hơn mua trực tiếp ở các đại lý chính thức hoặc hàng xách tay.

Hàng không đổi trả

Sản phẩm giảm giá chủ yếu là hàng tồn kho, hàng lỗi,... do vậy, người bán giảm giá để có thể bán chúng 1 cách nhanh nhất và bạn không được đổi trả khi đã mua.

Đối với các đại lý lớn, bạn có thể sẽ được bảo hàng, đổi hàng nhưng quá trình khá là rắc rối và thường phải mất 1 khoản tiền (đổi hàng dưới dạng thâu lại đồ cũ với giá 70-90% khi mua hoặc bắt buộc đổi sang sản phẩm đắt tiền hơn). Riêng sản phẩm được mua từ trang web nước ngoài, khả năng đổi trả gần như là 0. Nếu bạn kiên trì vượt qua được những thủ tục, thời gian chờ đợi để đổi hàng thành công có thể lên đến 6 tháng.

Cân nhắc việc mua nhiều đồ 1 lúc

Các cửa hàng, siêu thị có rất nhiều đợt khuyến mãi lớn chứ không chỉ có dịp Lễ độc thân. Chính vì vậy, tâm lý "càng mua nhiều, càng tiết kiệm" trong dịp này sẽ có phần sai lầm. Bạn cần biết rằng, hàng khuyến mại hầu hết đều là các sản phẩm tồn kho, sắp hết hạn hoặc đang chờ thanh lý để nhập mẫu mới. Nếu bạn mua về quá nhiều các sản phẩm này thì rất dễ gặp phải tình trạng chưa sử dụng đã hết hạn.

Chú ý chất lượng hàng hóa

Có rất nhiều mặt hàng được giảm giá tưng bừng nhưng phần lớn là thương hiệu kém nổi tiếng, tiền nào của nấy. Do đó, người mua thường cẩn thận khi mua, kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa để tránh mất tiền nhưng không được việc.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam