Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, trong tuần vừa qua Hà Nội có 301 trường hợp mắc mới sốt xuất huyết Dengue. So với những tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội vẫn đang tiếp tục gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, nhất là các quận có tốc độ đô thị hóa mạnh.

Một số quận huyện có số mắc sốt xuất huyết cộng dồn cao như: Hà Đông (367 ca); Nam Từ Liêm (210); Cầu Giấy (191); Đống Đa (181); Thường Tín (176); Thanh Oai (171); Hoàng Mai (145); Bắc Từ Liêm (141); Thanh Trì (118)…

Về nguyên nhân khách quan, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, hiện tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới và tại nhiều tỉnh, TP trong nước đang gia tăng, diễn biến phức tạp. Do dân cư di biến động lớn, đặc biệt là học sinh, sinh viên từ các tỉnh, TP đang trở về Hà Nội để bước vào năm học mới.

Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, ao tù... và thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn những đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Còn về nguyên nhân chủ quan, tại một số nơi, các chiến dịch diệt bọ gậy vẫn mang tính hình thức và chưa được duy trì thường xuyên, bền vững…

30/30 quận, huyện ở Hà Nội có người mắc sốt xuất huyết

Ngành y tế đề nghị tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Trước diễn biến trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đang tiếp tục duy trì hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp giám sát và tại cộng đồng; giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh; giám sát tác nhân gây bệnh; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn TP đã tổ chức 1128 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; kiểm tra 4.824.690 dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, công trường,... trong đó phát hiện được 243.270 dụng cụ chứa nước có bọ gậy và đã xử lý loại trừ ổ bọ gậy được 228.958 dụng cụ. Chiến dịch đã huy động 106.981 lượt người tham gia.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm virus Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Bệnh có 4 type huyết thanh được ký hiệu là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4, được truyền từ người bệnh sang người lành qua trung gian của vết muỗi vằn đốt.

Từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn khi chưa có miễn dịch sốt xuất huyết đều có thể bị mắc bệnh. Việc xác định type virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết là một thông tin cần thiết bác sĩ nên cung cấp cho người bệnh. Đồng thời khuyến cáo bệnh nhân mặc dù cơ thể có tính miễn dịch đối với type virus Dengue này sau khi bị mắc bệnh nhưng nếu không thực hiện tốt những biện pháp phòng bệnh thì có thể bị mắc bệnh các lần sau đó do bị nhiễm type virus Dengue khác.

Mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết tới 4 lần bởi các type virus khác nhau, mức độ mắc bệnh lần sau bao giờ cũng nặng hơn lần trước với nhiều nguy cơ bị thể bệnh lâm sàng sốc sốt xuất huyết đe dọa đến tính mạng.

Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết, do đó mỗi người dân cần có ý thức phòng chống cho chính mình, người thân và cộng đồng. Với phương châm không có bọ gậy, lăng quăng, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết. Chính vì thế, loại bỏ nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi và diệt bọ gậy là điều đầu tiên cần làm.

Nguồn: https://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/30/30-quan-huyen-o-ha-noi-co-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-310150.html

Theo congly.vn