Chỉ riêng tháng 3, một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đã xuất khẩu được 240 tấn cà rốt tươi sang Hàn Quốc, còn với thị trường Trung Đông, lượng xuất khẩu tăng hơn gấp đôi. Nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, đặc biệt ở các địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh đã giúp đẩy nhanh quá trình thông quan.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rau quả Việt cũng bắt đầu khai phá được những thị trường khó tính hơn nhờ 16 FTA thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA... Mức thuế giảm về 0% giúp nhiều loại hoa quả như: bưởi da xanh, thanh long, chanh leo tìm đường sang châu Âu, hay các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật Bản...

Xuất khẩu tăng mạnh, tuy nhiên hơn một nửa đến Trung Quốc, thị trường lớn nhất với 62,5% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. So với cùng thời điểm năm 2020, khi nhiều cửa khẩu với Trung Quốc bị đình trệ vì dịch bệnh, năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả với thị trường này đã tăng mạnh 16%.

Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mức tiêu thụ cũng như văn hóa tiêu dùng các loại rau, hoa quả có tính chất tương đồng, hỗ trợ nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy đây vẫn là thị trường chính, tiềm năng cho rau, quả xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm tới.

Để giảm sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường và tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do FTA, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đặc biệt là lượng thuốc trừ sâu dư thừa, bởi những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... đều đặt ra tiêu chuẩn rất cao về an toàn thực phẩm.

Theo X.Mai/baodansinh.vn

Nguồn: https://baodansinh.vn/4-thang-dau-nam-xuat-khau-rau-qua-tang-hon-12-20210504143213278.htm