Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất, ít nhất kể từ năm 2009. Bình quân 10 tháng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 560 USD/tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết trước tín hiệu tích cực từ thị trường, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn hàng Thái Lan, Ấn Độ...
Dựa theo nhu cầu thế giới và lợi thế sản xuất ba tháng/vụ lúa, Bộ NN&PTNT đã linh hoạt trong tổ chức vụ Hè Thu, Thu Đông, tăng diện tích canh tác ở những nơi đủ điều kiện. Với 85-90% giống cho năng suất và chất lượng cao, sản lượng lúa năm 2023 dự kiến đạt 43 triệu tấn.
Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa, chế biến, chăn nuôi, dự trữ, giống, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu khoảng 7,5-8 triệu tấn gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới.
Từ kết quả 10 tháng năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự báo lượng xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt xấp xỉ 8 triệu tấn.
Sau khi Indonesia công bố sẽ nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo ngay từ tháng 10, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy tính đến ngày 1/11, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được xuất khẩu với giá 653 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 93 USD/tấn và 90 USD/tấn.
Tương tự, Việt Nam cũng đang dẫn đầu về giá bán gạo 25% tấm với 638 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 118 USD/tấn và hơn hàng Paskistan 150 USD/tấn.
Trường hợp, Ấn Độ chưa dỡ các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, các nhà nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia vẫn có nhu cầu gom thêm lương thực, cơ hội bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam có thể được “gối đầu” sang năm 2024.
Dự báo, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan hạn chế.
Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân đảm bảo: tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/xuat-khau-gao-nam-2023-co-the-dat-8-trieu-tan-111483.html