Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia, qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hàng giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); trong 1 năm vừa qua đã có 82.300 vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý; thu nộp ngân sách Nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, số vụ việc được chuyển hồ sơ cho CQCA là 107 vụ, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý. Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.

Hiện nay, các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.

Hàng giả, nhái, vi phạm quyền SHTT đang ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của đời sống. Ảnh minh hoạ

Tình trạng sử dụng mạng internet để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền SHTT đang ngày càng phổ biến trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên internet là rất khó khăn, đặc biệt là việc thu thập thông tin, manh mối cũng như chứng cứ đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính. Có những trường hợp bán hàng ở Việt Nam nhưng cơ sở chính lại được đặt ở nước ngoài; trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác. Để trốn tránh, qua mặt các cơ quan chức năng và tẩu tán hang hóa khi bị kiểm tra, phát hiện, các đối tượng thường sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nơi ở, trong các thôn xóm, ngõ ngách.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt- Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT, Bộ Công thương), để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, lực lượng QLTT cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan triển khai nhiều giải pháp.

Giải pháp đầu tiên là đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn (khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại,...) từ đó rà soát , sàng lọc các đối tượng, mặt hàng, nhãn hiệu có nguy cơ bị làm giả, xâm phạm SHTT.

Ngoài ra, lực lượng QLTT cũng sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, hiệp hội, DN và các cơ quan chức năng có liên quan để triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cũng như cách để phân biệt hàng giả, xuất xứ sản phẩm đến với người dân, DN nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh hàng giả.

Trong môi trường mạng internet, cần tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua các ứng dụng, trang thương mại điện tử có uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Được biết, nhằm hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn người tiêu dùng chia sẻ thông tin, sắp tới Tổng cục QLTT sẽ triển khai các công cụ trực tuyến kết nối giữa cơ quan QLTT, DN và người tiêu dùng.

Bên cạnh các nhóm giải pháp về tuyên truyền, biện pháp hình sự là biện pháp xử lý mạnh nhất, nghiêm khắc nhất đối với các hành vi phạm tội, được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại.

Theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó trưởng phòng 1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an, cần có sự phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND TC ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các điều khoản liên quan đến quyền SHTT quy định trong Bộ luật Hình sự theo hướng CQĐT được phép khởi tố vụ án khi không có yêu cầu của bị hại.

Thượng tá Đỗ Đức Tạo đề nghị các đơn vị liên quan có biện pháp chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép cho các Hiệp hội, đơn vị xin tổ chức các cuộc thi bình chọn chất lượng sản phẩm hàng hóa (để cấp các giấy chứng nhận, giải thưởng, danh hiệu). Bổ sung các biện pháp nhằm ngăn chặn việc quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội.

Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền SHTT cần có các giải pháp như: rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền SHTT để phù hợp với bản chất dân sự, thương mại của quyền SHTT; Giới hạn phạm vi áp dụng các biện pháp hành chính đề từ đó từng bước tinh giản đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính; Phân định rõ cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền SHTT và thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan bảo vệ quyền SHTT.

Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ thẩm phán có chuyên môn, nghiệp vụ xét xử các vụ việc về SHTT và nghiên cứu việc thành lập tòa án chuyên trách về SHTT. Mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về SHTT; Phát triển đội ngũ giám định viên về SHTT.


Theo Pháp luật và Xã hội