Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 7/10, tại Hà Nội.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2021 rất chậm. Ảnh minh họa
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2021 rất chậm. Ảnh minh họa

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài khối các bộ, ngành trung ương thời gian qua có nhiều khó khăn. Mặc dù 9 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đều rất nỗ lực thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân, nhất là sau hội nghị hồi tháng 6.

Tuy nhiên, 9 tháng qua, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài ở khối bộ, ngành đạt thấp, thậm chí rất thấp so với các năm 2020 và 2019.

Tính đến ngày 6/10/2021, tỷ lệ giải ngân chung mới đạt 19,03% kế hoạch so với yêu cầu tại công điện của Thủ tướng Chính phủ. Đáng nói, hiện vẫn còn 7/13 Bộ, ngành chưa giải ngân được đồng nào; trong khi 9 bộ có văn bản đề nghị trả lại số vốn là 8.054 tỷ đồng, chiếm 44,08% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đại diện Bộ Tài chính, số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

Về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài và phải trả kế hoạch vốn, đại diện Bộ Tài chính nhận định, nguyên nhân chính là do chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân do các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như: Chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng; đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư, tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ…

Bên cạnh đó, công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều bộ ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây khó khăn cho triển khai dự án.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn khách quan chưa thể giải quyết ngay, các bộ ngành cần nỗ lực quyết tâm tháo gỡ nhanh những vướng mắc, chậm trễ do nguyên nhân chủ quan. Trong quá trình thực hiện, vẫn có những dự án còn chậm tiến độ, chậm ký kết hợp đồng, chậm chọn nhà thầu, chậm thanh toán…

Theo đại diện Bộ Tài chính, nếu các bộ, ngành không giải ngân được vốn vay ODA thì phải có kế hoạch điều chuyển vốn ngay. Hiện nay vẫn còn tình trạng các bộ, ngành không giải ngân được nguồn vốn này nhưng cũng không dám trả.

Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số vốn hơn 8.000 tỷ đồng của các Bộ, ngành đề nghị trả lại, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu việc xem trước hồ sơ, tài liệu trên bản điện tử để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ ở mọi khâu của quá trình triển khai dự án.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/9-13-bo-nganh-xin-tra-lai-hon-8000-ty-dong-von-oda-post160254.html