Uống quá nhiều nước có thể dẫn tới ngộ độc nước hay hạ natri huyết, tức là nồng độ natri trong máu thấp bất thường.
Ngộ độc nước trường hợp nặng có thể dẫn tới động kinh, hôn mê thậm chí tử vong.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bạn đang trong tình trạng uống quá nhiều nước.
Luôn mang theo chai nước trong tay
Nếu bạn lúc nào cũng cầm theo chai nước, vừa uống hết liền lấy đầy một bình khác thì có thể bạn đang uống quá nhiều nước.
Uống quá nhiều nước có thể dẫn tới hạ natri huyết, khiến tế bào trong cơ thể bị sưng phù.
Theo giáo sư khoa học thể thao Tamara Hew-Butler ở Đại học Oakland, Mỹ, điều này có thể dẫn tới não bộ bị phù, gây nguy hiểm cho não.
Uống nước ngay cả khi không khát
Để biết cơ thể có thực sự cần nước hay không, cách tốt nhất là dựa vào cảm giác khát.
"Cơ thể con người được lập trình để chống tình trạng mất nước, chúng ta luôn sợ cảm giác thiếu hụt, do đó chúng ta có cơ chế để bảo vệ mình." - Tamara cho hay.
Một trong những cơ chế mà mọi loài động vật đều có là cơn khát. Cơn khát giúp bạn biết mình có cần uống thêm nước hay không. Bạn càng cần nước thì càng thấy khát.
Nước tiểu trong suốt
Nếu uống đủ nước, nước tiểu của bạn phải có màu vàng nhạt. Nước tiểu trong suốt có thể là dấu hiệu bạn uống quá nhiều nước.
Với một người bình thường, lượng nước vừa đủ là khoảng 8-10 ly nước một ngày.
Lượng nước cần uống tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng, lượng vận động.
Đi tiểu thường xuyên, tiểu cả trong đêm
Nếu bạn nhận thấy mình thường xuyên phải tỉnh dậy giữa đêm để đi vệ sinh thì có thể bạn đang uống quá nhiều nước.
Theo Cleveland Clinic, mọi người thường đi vệ sinh 6-8 lần/ngày. Nếu bạn nhận thấy mình đi vệ sinh quá 10 lần/ngày thì có thể bạn đang uống nhiều nước hơn lượng cơ thể cần.
Một số nguyên nhân khác khiến đi vệ sinh nhiều có thể là do bàng quang tăng hoạt hoặc caffeine.
Để ngăn tình trạng tiểu đêm, hãy uống nước trước khi đi ngủ 2 giờ để thận có thời gian lọc nước cho cơ thể.
Buồn nôn, nôn
Biểu hiện của tình trạng thừa nước có thể giống với thiếu nước.
Khi uống quá nhiều nước, thận sẽ không thể đào thải kịp lượng nước thừa, khiến nước tích tụ trong cơ thể, dẫn tới cảm giác khó chịu như buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Đau đầu cả ngày
Ngoài các dấu hiệu buồn nôn, nôn, tiêu chảy thì đau đầu cũng là một dấu hiệu của cả thiếu nước và thừa nước.
Khi uống quá nhiều nước, nồng độ muối trong máu giảm, các tế bào trong cơ thể sưng phù, kích thước não bộ cũng tăng lên, gây áp lực cho hộp sọ.
Điều đó dẫn tới những cơn đau đầu liên tục, nghiêm trọng hơn có thể gây suy giảm nhận thức, khó thở
Tay, chân, môi bị sưng, nhợt nhạt
Hạ natri huyết cũng có thể dẫn tới tình trạng môi và tứ chi sưng phù, nhợt nhạt.
Nếu bạn uống hơn 10 ly nước mỗi ngày và nhận thấy tình trạng này thì bạn phải giảm lượng nước uống mỗi ngày.
Cơ bắp yếu, dễ bị chuột rút
Khi uống quá nhiều nước, lượng chất điện giải giảm và gây tình trạng mấy cân bằng. Nó có thể dẫn tới những triệu chứng như cơ thắt cơ, chuột rút..
Bạn có thể ngăn tình trạng này bằng cách thay hai ly nước lọc bằng nước dừa. Nước dừa chứa nhiều chất điện giải và hoàn toàn tự nhiên.
Mệt mỏi
Thận chịu trách nhiệm lọc nước cho cơ thể. Khi bạn uống quá nhiều nước, thận phải làm việc nhiều hơn, gây tiết hormone stress, khiến cả cơ thể thấy căng thẳng, mệt mỏi.
Nếu bạn đang uống nước thường xuyên và nhận thấy tình trạng mệt mỏi, khó rời giường, có thể bạn đã khiến thận bị quá tải.
(Theo The Healthy)